Nhảy múa trị liệu

#90ngayvietlach#ngay31

Có nhiều cách để quay về tìm hiểu, chăm sóc tinh thần. Có người chọn thiền định, viết nhật ký, vẽ tranh, chạm đến thiên nhiên, tìm về nghệ thuật hay trò chuyện với chuyên gia tâm lý. Gần đây mình biết tới thiền động trong một khóa học ngắn. Nhờ thế biết thêm phương pháp trị liệu bằng nhảy chuyển động. Đơn giản là cho phép mình nhảy múa tự do theo điệu nhạc.

Nhiều nền văn hóa có truyền thống nhảy ca múa hát trong các nghi thức tín ngưỡng, kết nối với các vị thần tâm linh. Người Ấn Độ trong các ngày lễ hội, họ tụ hội rồi cùng nhau nhảy múa tưng bừng. Ở Việt Nam có múa Chăm trong lễ hội Rija Nưgar, Katê; múa cồng chiêng ở tộc người vùng Tây Nguyên; múa khèn của người Mông. Người Hồi Giáo vùng Thổ Nhĩ Kỳ, có điệu Sufis xoay tròn (hay còn gọi là Rumi) tưởng nhớ thánh Allah, là một phương pháp dọn dẹp tâm trí. Qua đó mới thấy từ thời xa xưa, loài người đã có sự liên hệ giữa nhảy múa với việc kết nối tâm linh.

Sẽ có rất nhiều người bạn ngại ngùng khi thể hiện bản thân thông qua việc chuyển động cơ thể. Đó là chuyện hết sức bình thường. Đặc biệt ở trong hình hài một người lớn to xác, ta khó mà cởi bỏ hết để được sống thật. Vốn dĩ ta đã quen việc che giấu bản thân trước nhiều quy tắc, khuôn khổ từ xã hội, môi trường làm việc.

Nhảy múa đem lại rất nhiều niềm vui, hình như ai cũng từng là một đứa trẻ loi nhoi thích làm trò. Càng lớn mình càng kiệm người mà bớt múa máy lại. Theo mình, nên rèn luyện việc giải phóng cơ thể thường xuyên, nhất là đang độ thanh xuân phơi phới. Giữ đó, để có vũ khí mà cân bằng lại tinh thần khi gặp trục trặc trong cuộc sống

Việc tự do chuyển động, để cánh tay, đôi chân, vai, cổ, tóc, eo, ngực được làm điều nó muốn, đem lại nguồn năng lượng rất mới. Hãy bỏ qua suy nghĩ mình nhảy xấu lắm, cánh tay cứng đờ, người mình như khúc gỗ di động, lại còn nhiều mỡ bụng. Bạn đâu là người nhảy chuyện nghiệp mà phải lo lắng nhiều chuyện đến thế. Giống như việc viết lách, nó dành cho tất cả mọi người. Có công việc là nguồn mưu sinh kiếm ra tiền, phục vụ người khác. Nó cũng có thể biến thành sở thích, hoạt động mua vui, làm hài lòng chính bản thân mình mà.

Khi cởi bỏ được suy nghĩ phải đẹp, phải dễ coi trước mặt người khác. Mình tin, chúng ta đã có thể tự do nhảy theo ý thích theo lời con tim mách nước rồi. Tại sao mình lại đề cập đến chuyện nhảy múa là một phương pháp để trị liệu tinh thần. Người mình có thân và tâm đi song hành, tụi nó ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Thế nên, chuyển động cơ thể thông qua nhảy tự do giúp mình giải phóng cơ thể, tìm đến sự tự do về thể xác và tinh thần.

Tất nhiên, mỗi người sẽ có một liệu pháp thực hành riêng phù hợp với tính cách bẩm sinh, hay với vấn đề đang tắc nghẽn. Nhảy múa tự do là một trong phương pháp trị liệu. Như mình có trí thông minh vận động nên cảm thấy khá phù hợp với hình thức này.

Bạn chẳng cần học thuộc động tác hay nhịp gì hết. Chỉ cần thả lỏng, lắng nghe âm nhạc, lắng nghe cơ thể. Rồi bắt đầu những chuyển động tự nhiên theo cách bạn cảm. Nếu bạn cần tìm sự kết nối trong mối quan hệ với con cái, người yêu, gia đình sau những mâu thuẫn, hãy thử thực hành cùng nhau. Chọn một nơi riêng tư, an toàn, không bị làm phiền. Chọn những giai điệu không lời, có nhịp bass dứt khoát sẽ dễ phiêu hơn.

Đơn giản vậy thôi, mình cũng không tìm hiểu quá sâu về nhảy múa trị liệu. Sau mấy lần tự thực hành, với tâm niệm cảm nhận âm nhạc, kết nối cơ thể. Tự dưng thấy rất hiệu quả, mình nhìn được sự chuyển động kì diệu của toàn thân mà không có sự điều khiển hay kiểm soát nào từ tâm trí. Mình có những cái chạm đầy chất lượng vào cơ thể, các giác quan được đánh thức khi dành sự tập trung vào giai điệu.

Bạn hãy thử biết đâu đồng điệu với môn mới. Hy vọng sẽ hữu ích với những người đang cần.

photo Harrison | dancer Courtesy Doherty

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top