Kiến trúc hiện diện ở nhiều lớp lang trong nhịp sống đời thường. Nhiều người nghĩ, kiến trúc là tòa nhà với những chi tiết tráng lệ. Hay một chuyên ngành đặc thù đòi hỏi hiểu biết về vật liệu, xây dựng, tính toán. Ở khía cạnh khác, kiến trúc lại mang tinh thần của đời sống thường nhật vô cùng rõ nét.
Có rất nhiều cách định nghĩa kiến trúc từ người trong nghề. Đoạn này tôi không bàn sâu, vì chưa chín mùi. Với tôi, từng tòa nhà, từng con hẻm, từng tấm kính, từng viên đá, viên đất đều in hằn vào tâm trí chúng ta thứ dòng chảy kiến trúc, mỗi ngày.
Kiến trúc gắn với đời sống con người chặt chẽ tới mức khó nhận ra, đến khi di chuyển qua nơi khác mới ngỡ ngàng. Tại sao ở thành phố này, đi trên con đường này mang đến cảm giác khác so với góc đường ở thành phố khác.
Để tạo một công trình, người thiết kế phải trải qua nghiên cứu tất thảy mọi lĩnh vực. Từ toán học, lịch sử, nghệ thuật, tâm lý, vật lý, triết lý, kỹ thuật, môi trường. Mỗi chi tiết kiến trúc ra đời đều xuất phát từ một nhu cầu cụ thể.
Ví dụ mong muốn không gian yên tĩnh, có góc đón nắng chiều, hay mảng xanh công cộng nơi cư dân có thể tụ về thư giãn. Mà nhu cầu thì già trẻ lớn bé ai chẳng thích điều này điều kia. Thế nên mới nói, kiến trúc âm thầm diễn ra quanh đây. Và mọi nơi chốn đều có mặt kiến trúc.
Tôi là người thích học hỏi, trải nghiệm văn hóa bản địa. Đi bộ là cách phù hợp để bước một chân vào đời sống địa phương.
Tốc độ chậm lại, tâm trí mới sẵn sàng tiếp nhận thông tin có chiều sâu. Đi bộ thì đôi tai mới dành sự tập trung cho thanh âm đang diễn ra. Tiếng động náo nhiệt ngoài chợ, trên góc ban công quán ăn hay tiếng con nít từ cuối hẻm vọng ra đường lớn.
Đi bộ mới có dịp nhìn chi tiết vào ngôi nhà, ví dụ cái biển số nhà, gương bát quái, cánh cửa chớp cũ kĩ hay lớp sơn tường bong tróc từng mảng.
Tản bộ trong phố, tôi thường ngước đầu nhìn lên trên tầng hai, tầng ba của một ngôi nhà. Bởi lẽ mọi dấu ấn địa phương đều nằm phía trên, nơi người ta thật sự dành đời sống ở đó. Tầng trệt với mặt tiền đường đắt đỏ chỉ toàn là kẻ buôn người bán tấp nập. Hơn nữa, dành ánh mắt vào thứ cụ thể sẽ tránh cái nhìn trực diện từ người đi đường dành cho bạn.
Những sinh viên kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật đều trải qua môn học ký họa, tức là ghi chép lại hình ảnh thực tế thông qua vẽ phác nhanh.
Chọn một góc đường nhìn về công trình bên kia, đóng khung cái dáng mình thích nhất vào tầm mắt. Rồi cứ thế tỉ mỉ nhìn ngắm, ghi chép bằng chì, bút mực, màu. Đây là một cách hữu hiệu để bạn học và hiểu sâu hơn về một công trình. Từ mái nhà, đoạn gờ nhô ra, hoa văn trang trí trên cửa, lối cầu thang lên xuống cho tới vị trí ánh nắng chiều đổ lên ngôi nhà.
Bạn không sẵn sàng vẽ, không sao.
Hãy chọn những hành động giữ lấy sự chậm rãi. Ngồi yên ở một góc và nhìn tỉ mỉ từng chi tiết.
Thả bộ trên đường, thu hẹp góc nhìn, đóng thành từng khung hình nhỏ về vật liệu, ánh sáng, tỉ lệ giữa vật này vật kia, về hình dáng, cách sắp đặt. Bắt đầu từ cuộc sống thân quen, bạn sẽ có nền sơ khai nhất để cảm nhận tinh thần kiến trúc chứa đựng bên trong.
Bất kể bạn đang chọn đời sống thế nào, kiến trúc đều có một phần dành cho bạn. Nó gần gũi như chuyện đi bộ vậy, bước tới là thấy, bước qua trái qua phải là gặp liền hình bóng của nó.