Nhà của người thợ

Gắn với một người làm thợ, ngôi nhà vừa là nơi ở vừa là nơi dành cho công việc. Nhà của một người làm thợ mang tâm hồn bay bổng có thể tách riêng phòng xưởng ở một không gian khác. Nhưng phần lớn, những người làm thợ vì nguồn sống hằng ngày. Thời gian mỗi ngày có thể lên tới 10-14 tiếng đặt mình trong xưởng.

Theo lẽ thông thường, họ gộp chung thành một để tiện cho công việc đặc thù. Xưởng làm việc đơn giản là một góc nhà, gần cửa chính để tiếp khách. Không gian đằng sau đó là nơi ăn, ngủ hay chốn riêng tư.

Người làm thợ trải dài trên rất nhiều lĩnh vực từ thủ công, mỹ nghệ cho đến máy móc, tạo tác một sản phẩm mới. Có thể đến từ ngành khô khan như hàn, in, mộc đến ngành mềm mại như may vá, mùi hương, bánh trái, đan lát.

Với những môn đòi hỏi nhiều máy móc lớn, buộc họ phải sắp xếp một không gian đủ lớn cho công việc. Hiển nhiên, không gian sinh hoạt cần thu nhỏ lại. Người thợ dùng đôi bàn tay nhiều hơn lại được ưu ái, chỉ cần một mặt bàn đặt kim chỉ, màu vẽ là đủ làm nghề.

Khái niệm Studio hay Workshop thường dùng để chỉ một không gian làm việc cho người thợ. Tạm phân biệt nghề làm thợ với ngành nghề khác, dựa trên việc sử dụng vật liệu hay chất liệu để tạo ra thành phẩm.

Thợ nấu dùng thực phẩm tạo ra đồ ăn. Thợ xăm dùng kim, mực để in hình lên da. Thợ làm gốm dùng đất sét tạo ra đồ gốm sứ. Thợ làm vườn dùng đất, thực vật tạo ra mảng xanh. Trong lĩnh vực nhà ở, người ta lại dùng chữ căn hộ studio để mô tả một phòng nhỏ với đầy đủ tiện ích bên trong.

Tôi thích dịch chữ Studio thành ‘nhà xưởng’ hay ‘xưởng’. Với quy mô hoạt động một người hay nhóm nhỏ, chữ xưởng mang lại cảm giác thủ công, đề cao tính tỉ mỉ.

Nhà của một người thợ rất khác so với người làm công sở

Người thợ làm hoa cần rất nhiều tủ, kệ để đựng xốp, bình, chậu, giỏ treo, bông gòn, giấy gói, phụ kiện trang trí và nhiều công cụ cắt khác nhau. Phần lớn không gian là nơi lưu trữ đồ. Đòi hỏi thêm cần thêm kỹ năng sắp xếp sao cho vừa dễ dàng tìm thấy, vừa đựng được nhiều món nhất.

Dù có làm thợ gì đều có hai ba mục quan trọng nhất. Đó là nguyên vật liệu, công cụ làm nghề và sản phẩm đang hoàn thiện.

Ví dụ ở một xưởng mộc. Nguyên vật liệu là những phần tạo nên sản phẩm gồm gỗ, đinh, ốc, vít, bản lề, sơn, giấy nhám… Công cụ làm nghề liên quan tới máy móc, thiết bị hỗ trợ như máy cắt, máy khoan, máy cưa, tua vít, kềm… Một không gian hiệu quả cho công việc rất cần được sắp xếp thông minh.

French Cleat là một kỹ thuật làm kệ, với khớp nối được vát chéo 45 độ, có thể linh hoạt di chuyển. Thiết kế này cho phép bạn tùy ý thay đổi vị trí dựa vào độ cao, độ lớn khác nhau của từng món đồ. Tất cả đều nằm chung trên hệ thống thanh gỗ dựa tường.

Nhà của một người thợ là nơi chứa mọi thứ linh tinh trên đời

Tính địa phương là biểu hiện dễ thấy khi ghé thăm nhà của người làm thợ. Chút đồ đạc lộn xộn được gom nhặt từ nhiều nhà dân bản địa. Cơ hội tiếp xúc với nhiều khách hàng giúp họ dễ dàng sở hữu những phần dư ra sau sản phẩm hoàn thiện. Từng cánh cửa tủ dư, từng miếng vải nhỏ hay từng chiếc bản lề đều có thể làm nên chuyện. Về cơ bản, chẳng khác một vựa thu mua ve chai là mấy, mỗi người thợ họ lại có sự chọn lọc riêng, phù hợp với sản phẩm chuyên môn.

Xưởng vừa là không gian làm việc vừa là nơi để người thợ lưu trữ toàn bộ đời sống với nghề, trong suốt nhiều năm. Đồ đạc chỉ có thể đầy lên theo thời gian, chứ ít khi nào vơi bớt. Nếu không có tính chất này, họ đã không mang tiếng người làm thợ bên mình. Thâm niên nghề càng cao, chỗ làm việc của họ càng nhiều món chồng chất lên cao.

Tôi biết một chú làm thợ sửa đồ điện tử hư hỏng, đồ khách quen xếp chật một góc nhà. Chú lớn tuổi thành ra cứ hẹn đó rồi quá nhiều mà không làm nổi. Nhiều khi khách quên, hoặc xếp lâu quá cũng không biết tìm đâu ra. Cuối cùng, người thợ đâu dễ gì sắm đồ mới. Vì với mớ đồ bên cạnh, họ dư sức sửa chữa, chế ra món mới ngon lành.

Góc làm việc của một freelancer có thể dễ dàng thay đổi vị trí, chỉ cần chiếc máy tính thì đi đâu cũng làm được.

Nhưng góc làm việc của một người làm thợ thường rất ít khi đổi chỗ. Mọi thứ dường như cố định, gắn liền với đời sống và nơi họ ở. Một phần vì khối lượng đồ đạc nhiều, rất tốn công di chuyển và sắp xếp. Một phần có lẽ vì mạch cảm hứng đến từ những điều gần gũi mà món vật liệu, máy móc nằm xung quanh.

Đã là chốn gắn bó thân thuộc, giữ chân họ với nghề nghiệp đã chọn.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top