Nhà sàn ven bến xưa

Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ treo trên những tòa nhà cao chót vót. Người ta thường choáng ngợp bởi dáng vẻ năng động ồn ào của vùng đồng bằng ôn hòa. Vốn dĩ từ những ngày đầu khai hoang thành Gia Định, người dân từ các vùng lân cận đã tụ về làm ăn.

Sài Gòn có nhiều cây cầu vắt từ quận này sang quận kia, chưa kể mấy nhịp cầu nhỏ bắt ngang nhánh sông lớn rẽ hướng tạo thành kênh rạch. Vết tích bây giờ chỉ còn đọng lại qua mấy cái tên địa danh.

Bạn dễ dàng tìm thấy rất nhiều tên xuất hiện với từ ‘Bến’ ở chữ đầu tiên. Bến trải dài theo kênh rạch nhỏ tẻ ra từ sông Sài Gòn, vốn là nơi để ghe thuyền chở hàng cập vào bờ. Bến Bạch Đằng, Bến Vân Đồn, Bến Nghé, Bến Nhà Rồng, Bến Chương Dương, Bến Bình Đông, Bến Hàm Tử.

Ngày xưa, thuyền bè tấp nập quanh khu Bến Thành, cầu Ông Lãnh ngày nay. Thương hồ từ các miền đổ về mang theo nông sản, trái cây, cá tôm lên Sài Gòn bán buôn. Có người quyến luyến ở lại, ban đầu làm nhà thuyền với mái lá nổi lênh đênh theo con nước. Sau mới từ mé sông cập vào bờ mà dựng những ngôi nhà sàn.

Hơn nửa phần ngôi nhà nằm trên những cây cọc cắm xuống lòng sông, phần còn lại lấn vào đất liền, trổ thêm cánh cửa phía sau dành cho đời sống trên bờ. Xóm nhà ven sông gồm đủ loại thành phần khác nhau. Nhà thì làm thợ mộc, nhà bán buôn trong chợ, người bưng bê khuân vác, người thì theo các nhóm băng đảng, người làm thuê kẻ làm ông chủ nhỏ. Họ đều nương theo dòng kênh rạch mà dựng cho mình một mái nhà.

Thời xưa, đất Sài Gòn còn dư dả, dân cư thưa thớt vì thành phố rộng lớn chỉ có ít công trình nhà nước và nhà ở thấp tầng. Tầng lớp lao động ai cũng lấn chút, dựng nhà sàn ven kênh rạch để ổn định chỗ ở. Tạo thành một cụm nhà vô cùng độc đáo.

Rồi những chính sách làm đường xuất hiện, nguyên khu nhà ‘ổ chuột’ ở quận 1 ven rạch Bến Nghé giải tỏa hết để làm đại lộ Võ Văn Kiệt. Chẳng mấy ai ghi chép lại thành chữ, tôi chắc rằng ít người trẻ nào biết về một xóm nhà sàn trước đây mang tên Bến Chương Dương, nếu không được nghe người lớn kể lại.

Nhà sàn ở Sài Gòn không gồng gánh mùa nước nổi hằng năm hay tránh thú dữ vào nhà như miền núi. Với vật liệu dễ tìm như cọc chống bằng cây cừ tràm, trên là tấm ván gỗ lót sàn tận dụng. Lợp thêm mái tôn hoặc cây gỗ xung quanh như bức tường là đủ chỗ che nắng mưa. Thông thường qua nhiều năm, chủ nhà sẽ thay mới những cây chống có dấu hiệu mục nát.

Không gian bên trong tương tự một ngôi nhà bình thường. Có bếp nấu, giường ngủ, có chỗ ngồi tán gẫu. Diện tích nhà hẹp nên các phòng thường nối liền nhau, càng nhiều đồ đạc càng tù túng. Đặc biệt là khu vực vệ sinh, tựa như dân miền sông nước. Tắm, giặt, vệ sinh cùng con nước dưới kênh. Dưới chân nhà là mặt nước nên bạn không thể đào hầm chôn lấp chất thải. Vậy nên, cái gì tiện và nhanh nhất thì người ta chọn sống chung.

hình: Giang Đông Du

Những cụm nhà sàn lụp xụp nằm san sát nhau ven rạch đã từng là hình ảnh nhận diện của đô thị Sài Gòn. Một nét buồn buồn, thương thương nhưng chứa đựng nếp sống sôi nổi, bao dung của vùng đất này. Chỉ cần một mái nhà nhỏ đã đủ neo người tứ xứ ở lại mưu sinh, lập nghiệp.

Còn nhiều căn ven bên quận 4, quận 8 vẫn nằm chờ trong diện giải tỏa. Nếu bạn chưa từng thấy nhà sàn ở Sài Gòn, hãy ghé con đường dọc kênh Tẻ sang kênh Đôi, hướng từ đường Trần Xuân Soạn tới chân cầu Rạch Ông. Hay qua rạch Xuyên Tâm ở Bình Thạnh.

Sớm hay muộn, khu nhà ổ chuột ven sông sẽ biến mất. Hy vọng lòng sông được cải tạo, Sài Gòn được nối thêm các mảng xanh. Dù người không còn trên mặt nước, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tạo nhiều hoạt động khác bền vững hơn với hệ thống kênh rạch quanh thành phố.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top