- Đạo diễn, biên kịch: Jane Campion
- Thể loại: tâm lý chính kịch, cao bồi viễn Tây
- Thời lượng: 126 phút
- Diễn viên: Benedict Cumberbatch, Kirsten Dunst, Jesse Plemons và Kodi Smit-McPhee
The Power of the Dog dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên, viết năm 1967 bởi Thomas Savage.
Lấy bối cảnh vùng Montana năm 1925, xoay quanh đời sống cao bồi của hai anh em Phil Burbank (Cumberbatch) và George Burbank (Jesse Plemons), giữa trang trại chăn nuôi rộng lớn, bao quanh dãy núi đá khô cằn. Bộ phim theo chân người mẹ Rose Gordon (Dunst) và cậu con trai Peter (Kodi Smit-McPhee) với nhiều biến cố sau khi kết hôn với George, rồi chuyển đến sống tại trang trại. Câu chuyện khám phá mối quan hệ bất ngờ giữa Phil và Peter. Mối quan hệ của họ gợi nhớ cho Phil về một tình yêu sâu sắc và ý nghĩa mà anh từng có.
Nam tính độc hại, tình dục và cách hủy hoại người khác là ba sự khắc họa rõ nét trong The Power of the Dog. Theo tôi, bộ phim khá nặng về tâm lý nhân vật. Bạn nên cân nhắc trước khi xem. Nỗi ám ảnh cuối phim đã bám tôi suốt nhiều giờ sau đó. Bạn sẽ khó rời mắt nhờ diễn xuất cuốn hút, rất căng của Cumberbatch trong từng khung hình. Tôi xem lại lần thứ hai, mới thấy rõ từng nụ cười, cái nhíu mày, nhoẻn miệng, ánh sáng, góc máy chặt chẽ trong từng nhịp phim.
Ghen tị tình cảm
Ban ngày hai anh em chăn thả đàn gia súc cùng những gã cao bồi làm thuê. Ban đêm thì lại nghỉ dưỡng trong ngôi nhà đầy đủ những kệ sách lớn, thảm, gỗ ốp tường, treo đầu thú. Người xem không khỏi tò mò lý do Phil nổi giận, quyết liệt phản đối mối quan hệ giữa George và Rose.
Thuở đầu, Phil còn đưa ra lý do về khối tài sản hòng nhụt chí người em. Cay nghiệt, dày xéo như bóng ma ám ảnh người em dâu từ khi xuất hiện cho đến lúc sống chung trong trang trại.
Phil coi Rose là một ả lợi dụng em mình vì tài sản kếch xù hay Phil ghen tị với hạnh phúc của người khác?
Tôi cho lý do đến từ sự ghen tị tình cảm. Phil thiếu vắng tình cảm đến mức tức tối khi phải san sẻ nó với người ngoài. Một nhân vật đáng sợ ở vẻ bề ngoài, nhưng chính cái việc anh nghe lén phòng bên cạnh làm gì, hay hả hê vì khiến Rose suy sụp tinh thần. Lại càng khiến tôi thương xót con người rệu rã bên trong Phil, nó yếu ớt chịu đựng đã quá lâu.
Sự nam tính ngầm che đậy
Phil dùng thân hình vạm vỡ nam tính, không tắm rửa nhiều tuần liền vì thích cảm giác như thế. Dùng bùn đất lem luốc để che đậy con người khao khát tình cảm bên trong. Tôi trộm nghĩ, có lẽ phần nào đó trong Phil đã nhen nhóm sự ganh tị với cậu nhóc Peter – người hoàn toàn chấp nhận bản thể của mình. Cậu sống cùng với lời coi thường, đàm tiếu, cười cợt từ những gã cao bồi luôn tự hào với chất đàn ông mạnh mẽ, nam tính.
Trong xuyên suốt phim, Phil luôn giữ khoảng cách với đám người làm thuê. Cuộc trò chuyện thân mật chỉ xảy ra với người em, trước đây là người bạn quá cố Bronco Henry, sau là cậu bé Peter. Không hề có cảnh khoe da thịt trước mặt người khác. Ông luôn giữ vẻ bụi bặm, câu trả lời trầm giọng, ngắn gọn. Hay nhát cắt thiến bò gọn tưng, trước sự nể phục của đám đông.
Phil dùng quyền uy cho phép mình cáu gắt trước sự vui vẻ của người khác, tìm cách chế nhạo bàn ăn bên cạnh nhảy múa đàn ca. Những cảnh phim chứa đầy vẻ ngạo nghễ tầm thường, và cái áp đặt tù túng. Người tự ti với khiếm khuyết của mình luôn la hét dữ dội như chứng minh điều ngược lại.
Yếu đuối hay mạnh mẽ không phải là sự so sánh rạch ròi tốt xấu, nên hay không nên. Quan trọng là hiểu và dám chấp nhận mình như là mình.
Tính mềm yếu bên trong bị chạm tới
Lý do thật sự để Phil bắt chuyện với cậu bé là gì? Trong khi ra sức tra tấn tinh thần với bà mẹ.
Có người nói, Phil tiếp cận vì muốn gây áp lực lên Rose. Tôi nghĩ lý do này có thể đúng lúc đầu. Lấn càng sâu, lý do ấy lại chuyển hóa thành chuyện kết nối tình cảm. Thú thật, tôi chưa tìm ra tình tiết nào hoàn hảo hơn làm minh chứng.
Tôi nghĩ Phil thật lòng trong sáng với Peter. Phil là hình tượng người lớn hơn, chăm lo, giúp đỡ, nâng đỡ cậu bé ông cho là ngây thơ, yếu mềm bị châm chọc. Qua con người Peter thể hiện, Phil như nhìn thấu nội tâm mềm yếu của mình. Thứ bản năng bảo vệ tự nhiên trỗi dậy.
Mâu thuẫn đan xen
Học y khoa, trông vẻ ngoài như mọt sách. Ta tưởng Peter yếu đuối, nhưng đằng sau đó là bộ óc toan tính, nhạy cảm và vô cùng quyết liệt. Ngay lần chui vào hang bí mật, phát hiện bí mật của Phil, ta mới thấy rõ nét mặt bình tĩnh, gai góc lộ diện.
Đan xen phim là những tương phản rõ nét giữa các nhân vật.
Hoang dã và nền văn minh. Viễn Tây và Đông. Ngoài luật lệ và luật lệ, Phil và George. Họ trái ngược nhau, vậy mà hòa hợp trong sự dễ chịu tức thời.
Mạch phim tăm tối kéo dài xuyên suốt, xen lẫn với dải màu nâu vàng ở miền viễn Tây rộng lớn. Tôi liên tưởng đến cuộc đời của Phil, hiếm hoi có vài lần tươi sáng, reo vui. Như lúc thả mình giữa bãi cỏ, trên dòng nước suối riêng tư. Những lần gần gũi cùng Peter hay lần đầu bắt chuyện tử tế với nhau giữa cánh rừng.
Tôi thích cái gọn gàng trong miêu tả nhân vật của Jane Campion. Chỉ cần vài cảnh gặp gỡ liền mạch, vài câu chuyện quá khứ hé mở, ánh mắt chạm thật sâu, hút chung điếu thuốc. Vậy đã đủ nói lên mức độ thân thiết của nhân vật. Không có cảnh ‘lên giường’ nào diễn ra suốt phim, nhưng bầu không khí tạo ra cực kỳ gợi. Đây là điều tôi bất ngờ và thích thú.
Peter thừa sức bảo vệ mạng sống của mình và của mẹ. Peter thừa hiểu người mẹ gặp vấn đề gì, nhưng cậu cứ như vô tâm không tham gia. Bên trong lại ngầm cháy dữ dội.
Tôi sẽ không bàn sâu về sự âm thầm chuẩn bị trong kì nghỉ hè ở trang trại. Để bạn tự xem phim và cảm nhận. Hoặc nếu xem rồi, tôi nghĩ rất đáng để xem lại lần nữa, trong tâm thế so sánh, đối chiếu một tí giữa các cảnh phim quan trọng. Sự việc bắt đầu có lẽ từ buổi tối Peter đứng ngoài tiệm ăn, sau màn chọc ghẹo chói tai từ đoàn khách nhà Phil.
Kinh thánh – văn hóa cao bồi Mỹ 1920s
Câu kinh thánh Psalm 22:20 “Deliver my soul from the sword; my darling from the power of the dog” (Hãy giải cứu linh hồn tôi khỏi gươm, và mạng sống tôi khỏi loài chó)
Jane Campion từng nói. “And in a way, sexuality is like human suffering. As the tittle stands, it’s a kind of warning. The power of the dog is all those deep uncontrollable urges that come and destroy us, you know?” (Tình dục là một khổ đau của con người. Tiêu đề phim như một lời ngỏ báo trước. Sức mạnh của loài chó là tất thảy những thôi thúc bên trong khó lòng kiểm soát, tới khi nó chạm đỉnh và phá hủy chúng ta)
Lần đầu xem đầu tiên, thú thật tôi đã rất nôn nóng, đợi chờ sự va chạm tới đỉnh điểm của các nhân vật. Nhưng đến hơn nửa phim trôi qua, vẻ đẹp mới từ từ xuất hiện. Kết thúc với tôi là rất đã và ám ảnh bởi sự chặt ngang cảm xúc của nó. Lần thứ hai xem chậm và bình tĩnh hơn chính ở những phân đoạn dài dễ chán trước đó.
- Sợi dây da xuất hiện mỗi lần Phil và Peter chạm mặt nhau. Từ lần làm quen ở bãi cỏ, đến phòng xưởng, và trong đêm cuối cùng họ chia nhau điếu thuốc.
- Đôi găng tay lần lượt xuất hiện qua nhiều cảnh quan trọng. Cưỡi ngựa, trao đổi với tay buôn da, lấy mẫu từ con bò đã chết. Peter dùng đôi găng tay vàng ở cảnh cuối, cậu đẩy sợi dây da vào gầm giường. Khép lại chương đầu đời của cậu bé. Mà chắc không một ai biết những việc Pete đã làm, trừ Pete.