Phim Mùa Ổi (2000), đạo diễn Đặng Nhật Minh

Mùa Ổi hiện lên hình ảnh những ngày xưa cũ ở Hà Nội, với nếp sống lịch thiệp, tử tế. Mình thích mọi khung cảnh liên quan đến căn nhà Pháp xưa trong phim, hay khu tập thể ẩm thấp, tối tăm, có cánh cửa gỗ cọt kẹt và ánh nắng dịu nhẹ nơi ban công nhờ hàng cây cổ thụ che chắn.

 

Phim kể về anh Hòa, là một mẫu vẽ ở trường đại học mỹ thuật, cùng những kí ức hồi nhỏ trước năm 13 tuổi, khi mà não anh vẫn phát triển bình thường. Những kí ức tuổi thơ về căn nhà cũ, đặc biệt là cây ổi cứ thế sống cùng anh từng ngày. Mình thích cảnh gia đình khi anh còn nhỏ và người bố còn sống. Cách dạy dỗ con của ông bố rất điềm đạm, nhẹ nhàng như chính tính cách của nhân vật, cách ông bố đối đãi với 3 đứa con, với bà vú giúp việc, với xã hội khiến mình phải ngưỡng mộ ít nhiều. Nhờ vậy mà những người con lớn lên đều sống có đạo đức và tình cảm, như cảnh người anh Hân ở nước ngoài viết thư về ngỏ ý sẽ chăm lo cho anh Hòa sau này, nghe mà cảm động. Tình anh chị em lúc nào cũng khăng khít, quan tâm lẫn nhau, cho dù hoàn cảnh khác biệt. Sau này, ngôi nhà được mượn làm nơi làm việc cho chính quyền ở tầng trệt, rồi không biết “vì lí gì” căn nhà bị tịch thu và cả nhà phải chuyển đến nơi khác sống.

Anh Hòa là hình tượng con người hiền lành, tốt bụng, sống tử tế giữa xã hội nhiều lòng tham và nghi ngờ lẫn nhau. Phim có đoạn anh Hòa ra chợ mua cá dùm bà hàng xóm chung khu tập thể, mua về ảnh ngồi tỉ mẫn làm cá, rửa cá rồi chặt khúc cho đẹp bỏ vào rổ, xong xuôi mới đưa lại cho bà hàng xóm. Bởi tính nhiệt tình, thiệt thà nên mọi người hay lợi dụng để nhờ anh làm những công việc mà người ta không muốn đụng tay vào như đi đổ thùng rác chung, chà rửa hố xí tập thể.

Kịch bản dựng lên toàn hình tượng con người quá đẹp đẽ, nhân văn. Lời thoại mượt mà, chân thật với chất giọng miền Bắc nghe êm tai cực kì. Bởi thế mình hay tìm lại mấy phim xưa xửa xừa xưa coi, một phần để được nghe giọng điệu thời đó.

 

Đoạn mở đầu chiếu tới cảnh cây ổi ruột đỏ làm mình mềm lòng đôi chút, bởi nó khá giống với câu chuyện ở nhà. Nội cũng trồng một cây ổi ruột đỏ, cho tới giờ ba mình vẫn giữ nguyên vẹn như trước đây. Bạn biết không, đã là kỉ niệm là kí ức thì không thứ gì có thể đánh đổi được đâu. Có những người họ tồn tại được là nhờ sống trong kí ức đẹp đẽ, chúng ta không có quyền gì để can thiệp vào lối sống của người khác. Phim chạy tới đoạn anh Hòa nhìn những trái ổi ruột đỏ thân thuộc mà cứ đứng ngây dại ra, chẳng thể nhớ lại một điều gì. Lúc đó chị Thủy mới òa lên khóc, mình nghĩ chị khóc vì trước giờ hay can ngăn anh không được tới căn nhà cũ và lén hái những trái ổi ruột đỏ, giờ đây chị còn đau lòng hơn vì anh chẳng còn một mảnh kí ức nào để nhớ về nữa.

Cây ổi bị người ta cưa đi cũng là lúc tâm hồn thơ ngây của anh Hòa thật sự chết đi. Cảnh phim đó làm mình bức bối vì thương cho anh Hòa quá, anh hết còn được sống một đời vui vẻ với nụ cười hồn nhiên, trong trẻo như trước đây. Có còn điều gì khác ngoài mấy trái ổi khiến anh thấy hạnh phúc vậy đâu.

 

Rồi mình thoáng nghĩ, mỗi người lại có những niềm vui, sở thích khác nhau, người ngoài chúng ta nhìn bề nổi làm sao mà biết được. Cho nên mình cứ tôn trọng lẫn nhau thôi, miễn sao họ thấy được hạnh phúc và tràn đầy niềm vui, đủ rồi. Điều ta không thích, ta cũng đừng gán ghép là người khác cũng sẽ như mình. Làm vậy là coi chừng phá vỡ một mối quan hệ tốt lành đang có đấy.

Hãy xem phim và nhìn anh Hòa thì bạn sẽ hiểu được điều mình muốn nói ra.

 

Mình biết đến nghệ sĩ Bùi Bài Bình từ hồi xem phim Gió làng Kình, Ma làng, diễn chân thật và ấn tượng với đứa nhỏ mới 14-15 tuổi. Ở phim Mùa ổi, bác Bình đóng vai anh Hòa, hồi còn thanh niên trẻ trung, hiền lành dễ gần, còn đẹp trai sáng láng, thiệt khâm phục tài diễn xuất đầy biến hóa của bác ấy. Mùa ổi cũng là phim gây tiếng vang lớn cho nghệ sĩ Bùi Bài Bình với điện ảnh sau này.

Mùa ổi chạm đến trái tim nhiều người xem, mình nghĩ dù có bao nhiêu năm trôi qua, phim sẽ vẫn lan tỏa nguyên vẹn những cảm xúc chân thật của con người trong xã hội. Khuyên bạn nên xem để có những cảm nhận riêng về Mùa ổi nhé. Đảm bảo thời gian bạn bỏ ra để thưởng thức bộ phim này không phí phạm một giây phút nào đâu.

Cảm giác được sống cùng nhân vật trong phim, rồi lại day dứt với một cái kết mở khiến mình thấy thiệt đã đời.

 

Xin mượn lại câu nói của đạo diễn để khép lại bài này (Nguồn – blog Bùi Văn Phú)

 

Tuổi 13. Tôi muốn nói đến tầm quan trọng của tuổi thơ vì ở tuổi đó những biến cố có tác động đến tương lai rất nhiều. Chúng ta dù đã lớn nhưng nhân cách của chúng ta được định đoạt bởi tuổi thiếu niên nhưng chúng ta không biết. 

Cảm ơn bạn đã đọc đến đây. Một lần cuối nhắn gửi lại bạn Mùa ổi là một bộ phim Việt Nam rất đáng để bỏ thời gian ra thưởng thức nhe.

Mong sao cho loài người tử tế với nhau hơn một chút.

1 thought on “Phim Mùa Ổi (2000), đạo diễn Đặng Nhật Minh”

  1. Pingback: Sóng Ở Đáy Sông, bộ phim Việt đong đầy cảm xúc | Review

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top