Kỹ năng nói chuyện một mình

#90ngayvietlach#ngay72

Nói chuyện một mình là một hình thức tự đối thoại với bản thân, tương tự vẽ tranh hay viết nhật ký. Bạn có thời gian làm việc với bản thân, một mình, không bị ảnh hưởng bởi tác động từ bên ngoài. Thông qua đó, mình nhìn ra suy nghĩ, niềm tin, câu hỏi, ý tưởng đang trú ẩn trong tâm trí.

Thật ra không dễ thực hành với nhiều người, đặc biệt là tuýp người thích giao thiệp, tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Là một người ở giữa hướng nội – hướng ngoại, mình thấy kỹ năng nói chuyện một mình khá dễ dàng để tiếp cận và luyện tập.

Những tiếng nói nhỏ trong đầu bật ra thành lời, bao gồm lời nói tiêu cực, tích cực và trung lập (tức nói vu vơ)

  • Tiêu cực: Mình chẳng làm được việc gì ra hồn, vô dụng quá
  • Tích cực: Chà, mình phải xem lại kĩ công thức món bánh này, có lẽ mình đã làm sai ở bước nào đó.
  • Đối thoại vu vơ đời thường. Nó không mang biểu hiện tích cực hay tiêu cực mà là sự trung lập. Ví dụ khi nhìn thấy một bó hoa đẹp thì la lên trời ơi bông hồng cánh kép này đẹp quá. Tô nui này ngon quá. Á chết rồi mình quên tắt đèn ở trên nhà.

Nói chuyện một mình thường dễ gặp ở trẻ em. Các em bé có xu hướng tự chơi, tự xây dựng trí tưởng tượng và bật thành lời nói tự nhiên. Và người lớn xem chuyện đó khá bình thường. Mình nhớ hồi nhỏ hay xây dựng một thế giới trong đầu và tự diễn câu thoại với mấy anh em trong nhà.

Kỹ năng đó mất dần khi lớn lên, bởi phần đông xã hội châu Á coi nó là một việc bất thường. Đa phần mặc định đó là biểu hiện của chứng rối loạn tâm thần. Dễ hiểu thôi, khi nhìn cảnh nhiều người lang thang ngoài phố, khi thì chửi bới, khi thì la lối, tự nói những thứ tưởng chừng vô nghĩa. Họ là những người mắc bệnh tâm lý, khủng hoảng.

Ở đó mức độ độc thoại diễn ra với tần suất liên tục. Họ tưởng tượng có nhiều giọng nói trong đầu, và họ giao tiếp với giọng nói vô hình ấy mà không hề có ý thức kiểm soát.

Khác với chuyện mình tự đối thoại trong sự nhận thức. Tức là mình vẫn hiểu, vẫn biết những hiện thực đang diễn ra. Tâm lý mình hoàn toàn ổn định hay không rơi vào giai đoạn bệnh lý về tâm thần.

Sau khi phân biệt rạch ròi chuyện này, mình hoàn toàn thoải mái khi thực hành kỹ năng tự nói chuyện một mình. Tự tin chia sẻ với nhiều người, mà không ái ngại ánh nhìn khó hiểu từ người xung quanh. Đương nhiên mình chỉ thực hành nơi riêng tư, một mình để có được cảm giác an toàn nhất.

Việc nói chuyện một mình đem lại khá nhiều ích lợi trong quá trình trải nghiệm cá nhân. Đương nhiên hành động nào cũng có hai mặt của nó. Bài viết sau mình sẽ đề cập thêm chủ đề này.

Hẹn gặp lại.

Artwork: Worry Lines

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top