#90ngayvietlach #ngay71
Một khi mình viết xong, hoàn thành được bài vở hay một tác phẩm nào đó. Coi như chúng đã chết đi rồi. Chúng chết đi với người chủ nhân, chúng đi đến những hành trình riêng biệt, mà tác giả không thể bào chữa hay nói năng gì. Ý niệm này phỏng theo học thuyết “The dead of the author” của Roland Barthes.
Đứng trên góc nhìn của người viết, sự qua đời của tác giả làm mình thảnh thơi đi tiếp, tạo tác phẩm khác.
Mỗi tác phẩm có một đời sống riêng là vì lẽ đó. Không liên can gì mình thiệt là một khái niệm trừu tượng. Ngỡ liên quan mà lại không hề liên can.
Mặc dù mình không đồng ý với học thuyết này tuyệt đối. Nhưng ít ra, dưới góc độ một người viết nó giúp mình bớt lo âu về hành trình sau đó của bài viết. Nó ra đời xong nó chết đi (chết tạm thời)
Mỗi người đọc lại chính là chủ nhân mới của tác phẩm. Không phải mình không dành sự quan tâm tới hành trình của nó. Nhưng mình cũng đâu làm được gì ngoài việc tạo thêm sản phẩm mới. Thật ra nghĩ ngợi về quá khứ lắm lúc khiến chân mình chùn đi rất nhiều.
Bạn nghĩ có ấu trĩ không, khi đọc lại những bài viết cũ. Mình không hề cảm thấy muối mặt, mà luôn cảm một nét gì rất riêng và thú vị. Mình ít khi nào vùi dập bài viết cũ. Nhìn lại chỉ thấy rất nhiều niềm vui mà thôi. Đương nhiên chúng vụng về, thô ráp nhưng điều đó không làm mình thấy xấu hổ mà phải vùi lấp. Có rất nhiều sự tự hào chen lấn trong đó.
Cũng có thể mình chẳng bước thêm được tí nào, nên thấy sự cũ vẫn còn tươi mới.
Có thể mình luôn bước theo nhịp rung động từ bên trong, suốt hành trình vừa qua.
Có thể mình ái kỷ, có thể lắm chứ.
Mình không thể tỏ tường mọi thứ rồi quy nó về một đầu mối nào đó. Mà thật ra có cần thiết phải hiểu rõ ràng mọi thứ như một khái niệm khoa học.
Mình nhận ra khi quá mệt, cố gắng hiểu điều gì, thì ta nên dừng lại rồi chuyển qua việc dễ dàng hơn. Mình có thể làm việc theo lẽ tự nhiên mà không cần gồng gánh. Bạn có tin ai cũng đang sở hữu cái thứ làm dễ dàng không cần phải cố phải gánh???
–
photo: Ben Zank