Bộ phim tài liệu kể về hành trình của đầu bếp André Chiang và cộng sự trước ngày đóng cửa nhà hàng ở Singapore. Phim này truyền cảm hứng, cho những ai đang theo đuổi bất kỳ ngành dịch vụ hay chăm sóc khách hàng nào.
Bộ phim được kể theo mạch 8 chủ đề tương ứng với 8 chữ ngắn gọn tạo nên triết lý Octaphilosophy của André. Sự sáng tạo trong ẩm thực, cách lên thực đơn chỉ xoay quanh 8 từ này.
Unique, Pure, Texture, Memory, Salt, South, Artisan, Terroir
Ảnh hưởng văn hóa Pháp bởi phần lớn thời gian tuổi trẻ đã lớn lên tại đây. Đến mức mang cây olive để trước nhà hàng để lưu giữ kỷ niệm với Pháp. Nhưng tôi cũng chẳng thấy tinh thần dân tộc của anh hao mòn chút nào. Như ba người thầy mà anh nhắc tới trong sự nghiệp của mình. Đài Loan dạy về khiêm tốn, Pháp đào tạo khẩu vị, sự sáng tạo và Singapore cho phép anh trở nên độc đáo, khác biệt.
Hành trình ăn uống
André là một đầu bếp, một người sếp luôn tìm đến trạng thái hoàn hảo. Anh tự nhận mình là một người cầu toàn và ám ảnh đến từng chi tiết (chứng OCD). Đứng trong bếp là một người tỉ mỉ, kỹ lưỡng có chút nghiêm túc. Khi gặp vị khách đến nhà hàng, anh luôn nồng hậu, tươi cười, tận tình đón tiếp.
Tối nào cũng như tối đó, người đầu bếp đứng chờ trước cửa nhà hàng, chứ không để họ vào tận bếp mà tìm. Âu cũng là một cách tạo dựng tin tưởng về sự hiện diện của người đã chuẩn bị bữa ăn tối. Đem đến cho thực khách một chuyến hành trình đáng nhớ khi tới nhà hàng, ngoài chuyện thưởng thức món ăn.
Chắc là người ta nhớ tới người chủ mến khách được gặp trước khi ăn.
Một đầu bếp trân trọng thực phẩm, không chỉ là những nguyên liệu đắt tiền cao cấp. Mà cả những món ăn đường phố bình dân trước chợ đêm Sĩ Lâm hay quán mì hải sản ngay góc phố.
Kết nối lòng tin
Ngoài là một đầu bếp đầy sáng tạo, anh còn là một người sếp, một người làm thương hiệu cá nhân giỏi. André như có đường đạo riêng để hướng theo, với những triết lý cá nhân. Cho nên như anh nói, nhìn vào nhà hàng, nhìn vào căn bếp, đều có dấu ấn của André ở đó. Một người không đủ mạnh về tinh thần sẽ không thể nào chuyển tải hết nguồn năng lượng, niềm tin đến cộng đồng lớn hơn.
André and His Olive Tree gợi nhắc cho tôi về cách vận hành, kết nối đội nhóm, định hình thương hiệu và hơn hết là tìm đường đạo cho mình. Làm sao mọi người hiểu chung một vấn đề. Làm sao nuôi dưỡng khách hàng cũ quay lại. Làm sao mà căn bếp không quá ồn ào mà phục vụ món ăn vẫn hiệu quả như thường. Làm sao để kết nối, tạo dựng lòng tin tưởng với đồng đội.
Khi nào dừng lại
Đừng cố trở thành đầu bếp trong nhóm 50 nhà hàng tốt nhất thế giới, đừng cố đạt danh hiệu sao Michelin. Được công nhận là điều đáng tự hào. Nhưng trước hết, hãy làm một đầu bếp vui vẻ. Câu nói nhẹ tênh mà thiệt chẳng dễ gì.
Thật ra, André đã từng cố gắng đạt được những điều này trước đây. Chẳng phải khi đã có trong tay sự công nhận, danh hiệu anh mới quyết định dừng lại hành trình ở nhà hàng André, sau 8 năm mở cửa. Để bắt đầu theo đuổi một hành trình khác.
Làm tôi nhớ tới lời chia sẻ của một chị, đừng vội buông bỏ khi trong tay đang hổng có gì hết. Làm đầu bếp vui vẻ cũng tốt, mà cố gắng đạt được sự công nhận cũng xứng đáng thử mà.
André từng chia sẻ, nhà hàng mở cửa 5 ngày một tuần, 15 tiếng mỗi ngày. Đến nỗi anh không còn thời gian làm chuyện khác. Câu trả lời vì sao lại đóng cửa nhà hàng trong khi nó đang phát triển rất tốt. Không có lời giải thích nào rõ ràng tới cuối phim.
Nhưng tôi lờ mờ đoán định. Có lẽ Andre thật sự muốn có thêm thời gian làm đầu bếp vui vẻ hay cống hiến cho thế hệ trẻ Đài Loan, nơi cội nguồn gốc rễ mà anh không có quá nhiều thời gian sống trong nó.