Mình lưu giữ tất thảy mấy tờ giấy còn trống mặt, để đóng thành sổ, hay dùng viết ghi chú. Những tờ lịch cuốn đã xé, giấy kraft gói đồ còn sạch tinh. Mình đều gom góp rồi xếp gọn lại một chỗ dùng dần, mà không cần sắm sửa thêm giấy.
Có lẽ tụi nó cần một đời sống mới sau quãng thời gian ngắn ngủi ở bên gói đồ, ở bên những con chữ in đầy sắc màu.
Không hiểu sao, đứng trước một cuốn sổ mới toanh, mình có cảm giác ngần ngại thả nét mực đầu tiên. Có phải vì tiếc tiền chăng, hay tiếc khi phá vỡ cái vẻ tinh tươm của món đồ mới.
Cuốn sổ đầu tiên mình tự làm vào năm đầu đại học. Tất nhiên hồi ấy, mình mua sẵn giấy trắng ngoài tiệm. Một tờ giấy cỡ to nhất, sau đó cắt nhỏ thành từng tệp nhỏ. Bọc bên ngoài là miếng vải tìm kiếm quanh nhà. Bạn biết đó, vải là món đồ mình lưu giữ qua từng năm. Mẹ mình làm thợ may, biết bao nhiêu vải vụn cắt dư, với nhiều họa tiết, chất vải đa dạng. Mình mê dữ lắm. Tìm quanh nhà đã đủ nguyên liệu cần thiết cho một cuốn sổ.
Nhiều khi mình nghĩ, bản tính thích lưu giữ được di truyền qua nhiều thế hệ. Từ nhỏ, mình đã sống trong không khí của một ngôi nhà làm thợ. Mấy cậu nhà ngoại làm mộc, mẹ thì làm thợ may. Những món đồ nghề lỉnh kỉnh, nguyên liệu cứ đầy ắp đâu đó khắp nhà. Muốn may một cái túi, vá một cái áo hay cần tìm khăn trải bàn. Nguyên liệu đều nằm trong tầm bán kính quanh nhà.
Dần dần, mình tự tích trữ cho bản thân mấy món linh tinh. Với cái cớ hành nghề làm sổ, chuyện lưu trữ mấy món vụn vụn ngày càng nhiều hơn. Vải chất đầy trong thùng. Dạo gần đây, mình làm dạng sổ ghép vải, thành ra miếng vải nhỏ cỡ nào mình cũng giữ lại. Đợt này về nhà tránh dịch, mình đã gom đủ một thùng vải nho nhỏ. Chờ ngày được cắt may thành hình từ hai bàn tay.
Những tờ giấy vụn, mình thường chỉ làm sổ tự xài. Làm cho khách thì mình đi mua giấy khổ to rồi về xén nhỏ lại. À thật ra có cách làm giấy thủ công từ giấy vụn đã qua sử dụng. Mình cũng gom một ít, nhưng chưa bắt tay vào thử. Nếu tái chế thành công, có khi chẳng cần mua giấy mới nữa.
Tất cả đều là đồ tái chế, đều từ hai bàn tay mà thành. Công việc hồi sinh món đồ cũ, cho mình niềm vui nho nhỏ. Không cần phải bỏ đi thứ gì thừa thải khi chúng vẫn còn giá trị sử dụng. Ấy là tạo thêm nhiều kiếp sống mới cho đồ đạc.
Lưu giữ những thứ còn giá trị (ít nhất với người lưu trữ) là việc xứng đáng làm. Giống như khi vứt bỏ, việc quyết định giữ lại thứ gì. Mình cũng tự đặt câu hỏi với bản thân. Tôi có kế hoạch gì cho chúng, tôi sẽ làm gì. Nếu có câu trả lời, mình không ngại ngần mà giữ lại.
Lưu giữ đem đến cho mình niềm vui, câu chuyện cũ, lịch sử và giá trị của sự tái sinh. Không biết bạn có chút hứng thú gì với đồ thủ công tái chế, như mình?