Tự đối thoại: ẩn chứa niềm tin

#90ngayvietlach #ngay73

Sau quá trình thử nghiệm đối thoại với bản thân. Mình có chút cảm giác muốn chia sẻ về sự ảnh hưởng của phương pháp nói chuyện một mình, dưới góc độ cá nhân.

Hiểu được suy nghĩ bên trong

Những dồn nén khó bày tỏ với người khác. Ở nhiều trường hợp, chỉ có mình là người cuối cùng ôm ấp, lắng nghe cơ thể. Tự đối thoại giúp mình nghe hết tiếng nói nhỏ thủ thỉ điều gì, là một cách phản tư hiệu quả không khác gì viết lách.

Thực hành bằng cách ngồi trước gương, nhìn chính mình và tập nói ra suy nghĩ, bế tắc, niềm tin, sự tự hào. Phương pháp này mới làm lần đầu dễ đem lại cảm giác kì quặc. Bạn nên thử không dùng gương trước, chỉ ngồi quan sát dòng chảy trong đầu và nói thành tiếng sẽ thoải mái hơn. Giống như việc tập nói trước bài trước khi thuyết trình.

Tập trung, tập trung

Tự đối thoại khá tương đồng với thiền định, quay lại vào trong và nhận diện hiện tại. Hiểu được mình đang ở trạng thái cảm xúc ra sao. Sau đó trấn an bản thân bằng cách lắng nghe rồi để chúng tự nhiên đến và đi.

Tập trung cảm nhận, quan sát, lắng nghe những tín hiệu muốn gửi đến. Tự hỏi suy nghĩ tự dìm hàng chính mình là do đâu mà thành. Phân loại được câu nói mang tính tiêu cực hay tích cực. Bạn chỉ cần nhận diện, không cần cố ép buộc mình phải chuyển hóa sang ý nghĩ tích cực ngay lập tức đâu.

Với những câu hỏi mang tính trung lập: “nãy mình tính lấy gì mà quên mất tiêu”, “hay mình định nói gì mà quên rồi”. Tự đối thoại, lặp lại câu hỏi bằng tiếng nói; sự tập trung trong não tự dưng được kích hoạt để tìm ra câu trả lời tối ưu.

Nhen nhóm niềm tin bên trong

Công nhận vấn đề của bản thân giúp mình tự tin nói ra thế mạnh, thế yếu và sự không hoàn hảo. Qua mấy lần trải nghiệm, mình nhận ra sự bao dung với con người yếu mềm bên trong. Vậy là tự biết thương mình trước, cảm thông trước muôn vàn góc cạnh khác nhau. Nhờ đó sinh ra sự tin tưởng từ trong ra ngoài (với chính mình).

Và đương nhiên cái gì cũng có ngưỡng nhất định, tùy mỗi người.

Kỹ năng nói chuyện một mình là cần thiết để thấu hiểu tiếng lòng. Không có nghĩa ta bỏ qua chuyện giao tiếp với người khác. Nếu bạn chỉ suốt ngày làm việc với bản thân mà né tránh thế giới bên ngoài, dễ làm cơ thể mất cân bằng và sinh ra ảo tưởng.

Mình tin rằng vạn vật đều được kết nối với nhau, bằng một cách nào đó. Giống như mạng lưới rễ cây dưới lòng đất, chồng chéo, đan xen lẫn nhau. Mỗi cá thể rễ tìm cách lớn lên nhưng cũng không quên chuyện kết nối với cá thể khác trên hành trình sống. Loài người cũng hệt vậy, bởi mình cũng là một chấm nhỏ trong hệ sinh thái.

Một cái kết không liên quan cho lắm, nhưng ý mình là hãy giữ sự cân bằng với bản thân.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top