Thưởng thức đồ ăn trong trạng thái mất mùi tạm thời do nghẹt mũi.
Cái mũi mình khá nhạy cảm mỗi lần nhiệt độ đột ngột thay đổi. Bằng chứng là dấu hiệu của sự tắc nghẽn, chảy nước ở đầu mũi. Cơ thể hoàn toàn bình thường, vấn đề chỉ nằm ở cái mũi không sao kiểm soát được.
Bao nhiêu thứ đồ ăn thơm ngon hấp dẫn trước mặt, vậy mà không ngửi ra mùi vị của tụi nó. Đem kêu ca với mẹ, mẹ nói ủa bị nghẹt mũi thì không ngửi được, vẫn còn cái lưỡi nếm vị mà. Nghe thì hợp lý đó, làm mình thắc mắc vì rõ ràng chẳng hề có cảm giác về mùi vị nào xuất hiện, mặc dù cái lưỡi bình thường.
Thiệt ra lưỡi không phải nơi duy nhất cảm nhận vị đồ ăn. Khả năng cảm nhận hương vị còn liên quan tới các bộ phận khác như vòm miệng, cổ họng, mũi, khoang mũi. Cho nên ta thường dùng từ ‘mùi vị’ để mô tả về sự hấp dẫn của món ăn. Bạn có thể thử nghiệm bằng cách vừa ăn trái cây vừa bịt chặt mũi. Để xem thử vị giác thay đổi ra sao nếu nhưng thiếu đi sự cộng tác từ mũi.
Nỗi sợ nấu nướng trong trạng thái sụt sịt quả là trải nghiệm không được vui cho lắm. Làm như khi cơ thể có vấn đề, nó có khả năng lây lan sang mấy việc khác mình làm. Làm gì cũng canh chừng cái mũi đang dở chứng.
May mắn có những ngày nhẹ nhàng, chỉ trong vòng một buổi sáng sụt sịt là mình thích nghi, trở lại bình thường. Như sáng nay, ăn tô mì trong ấm ức vì không tài nào nếm được vị chua cay thanh nhẹ từ miếng kim chi cải thảo. Cho tới khi lờ mờ nhận ra vị giác hoạt động lại thì đã ăn gần xong tô mì.
Nhờ cái mũi bị nghẹt mà mình biết cảm giác mất vị giác ra sao. Ăn chỉ là ăn bằng hình thức chứ chẳng thể hiểu được cảm xúc là điều chi.
5 vị cay, mặn, ngọt, đắng, thanh nhẹ (unami) kết hợp thêm 4 giác quan còn lại mới là thứ bùng nổ trong ẩm thực. Mất đi khứu giác giống như mình ngồi xem poster quảng cáo đồ ăn hấp dẫn, mà chỉ được uống ly nước lọc cho no bụng.
Dù sao thì mũi mình đã hết tắc nghẽn. Chúc mọi người thưởng thức bữa ăn ngon miệng.
Artwork: Armin Muller