Trong quá trình giao tiếp, nói và lắng nghe là việc diễn ra xuyên suốt cuộc nói chuyện. Đi sâu hơn, nói-nghe chính là kết quả của chuyện hỏi-trả lời (hoặc giãi bày cá nhân). Người nói chuyện tinh tế là người biết đặt câu hỏi sao cho cuộc giao tiếp trở nên thú vị, hấp dẫn thay vì đi vào ngõ cụt. Nói vậy mới thấy đặt câu hỏi là kỹ năng cần thiết để có một cuộc nói chuyện hiệu quả, giàu giá trị.
Không biết bạn thì sao. Phải thừa nhận rằng, mình thường trả lời đại khái trước lời hỏi thăm từ ba mẹ. Khiến cho cuộc đối thoại cứ đi dần vào bế tắc, vì câu trả lời ngang xương. Cuộc nói chuyện qua điện thoại thường mở đầu như sau. Con ăn cơm chưa, hôm nay ăn món gì, con đi làm về lâu chưa, thêm vài lời cảm thán như sướng quá ta, ngon vậy. Mình đã từng thấy áp lực bởi bộ câu hỏi diễn ra lặp lại như vậy, thành ra trả lời cho có lệ chứ không chút hứng thú.
Sau này nhận thức được, mình không hề trách móc ai hết. Mình tập thay đổi hướng tiếp cận cá nhân. Cố gắng trả lời ôn hòa, hoặc kể câu chuyện thường nhật để ba mẹ an tâm, hoặc tìm cách đặt câu hỏi để cuộc nói chuyện diễn ra thú vị hơn, gợi chuyện để ba mẹ có thể hỏi lại.
Mình mới bước vào lĩnh vực giáo dục chừng 1 năm. Đứng trước một lớp học, ở vị thế của một người host dẫn dắt nguyên tiết học. Lúc đó mình nhận ra tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi. Dùng câu hỏi đóng hay hỏi quá đại khái chung chung sẽ làm năng lượng lớp chùng xuống ngay lập tức. Không tạo được hứng thú cho trẻ trả lời, tụi nhỏ sẽ kiếm chuyện khác vui hơn mà làm. Từ đó vô tình khiến người đứng lớp thấy nản và bớt đi sự hưng phấn. Thế nên, mình luôn tìm cách cải thiện chuyện đặt câu hỏi sao cho tương tác tốt với lớp học.
Đi dạy, mình mới thấy thương những giảng viên hồi đại học. Lớp học lúc thì nháo nhào, hoặc quá im lặng mà chẳng có phản ứng nào khi được giáo viên đưa câu hỏi. Giảng viên phải có siêu năng lực mới có thể chịu nỗi nguồn năng lượng ấy trong lớp học, mình tin họ phải có bộ bí kíp thần sầu nào đó để vượt qua.
Đặt câu hỏi là chuyện cần rèn luyện mỗi ngày, nếu như bạn thấy nó giúp cải thiện việc giao tiếp. Bí kíp thì có đầy trên mạng, công thức cụ thể ta đều dễ dàng tìm thấy.
Tuy vậy, quan trọng hơn là việc thực hành trong nhận thức của mỗi người. Khi đặt một câu hỏi, bạn phải tự biết mình đang nói cái gì, mong muốn nhận lại hướng trả lời ra sao. Luôn đặt tâm thế vào đối phương. Hỏi vầy rồi người ta có thể trả lời được không, hỏi có quá riêng tư, có quá ép buộc, có gợi mở được thêm ở câu hỏi tiếp theo hay không còn phương án nào khác ngoài trả lời có-không, rồi-chưa.
Đặt cho bản thân thử thách, với một chủ để đặt càng nhiều câu hỏi mở càng tốt. Đôi khi cần biết phản biện, dựa trên câu trả lời của đối phương. Tự phản biện tức là đặt câu hỏi ngược lại, điều đó cho thấy bạn là người lắng nghe tốt, lại còn đưa ra ý kiến phản hồi để phát triển cuộc đối thoại.
Một ví dụ thay cho lời kết thúc hôm nay. Hy vọng gợi được một ý tưởng nào đó trong bạn.
Artwork: Geoff McFetridge