Viết thư là một hoạt động khá riêng tư, dành cho cả người viết và người đọc. Thông thường người ta sẽ muốn giấu đi những cánh thư cho riêng mình. Bởi lẽ lời thủ thỉ tâm tình trong thư là chuyện cá nhân giữa hai người. Thật ngại ngùng nếu phơi bày chuyện ra cho nhiều người đọc.
Mình cho rằng, chính câu chuyện trong đó mới thật là điều chân thành và tình cảm nhất. Nếu có thể bày ra một cách cẩn trọng, biết đâu lan tỏa tới nhiều người đang cần.
Khó để cảm xúc dâng lên cao nhất nếu ta dùng bàn phím để gõ rồi xóa và kết thúc lá thư bằng một cái nút gửi hiện trên màn hình. Sử dụng máy tính không có quá nhiều va chạm vật lý xảy ra. Chính cái va chạm ấy là thứ tạo nên cảm xúc trong lá thư, trong cách ta dùng từ ngữ.
Cực đoan mà nói rằng, chỉ có bút, có tay và giấy mới đủ sức tạo ra cái cảm giác chân thật, thả lỏng, và chứa đầy tình cảm ấy.
Có cơ hội đọc lại lá thư tay ông Trịnh Công Sơn gửi cho bà Dao Ánh. Qua những nét chữ, dòng mực chảy trên tờ giấy. Tự nhiên mình thấy xúc động, đọc mà cảm giác như chính mình đang hiện diện trong khung cảnh ông nhạc sĩ ngồi viết. Nhận lá thư tay từ bạn bè cũng vậy. Không gì có thể làm mình xao lãng. Chọn một góc riêng, mở lá thư, đọc say mê với 100% sự tập trung. Cảm giác đó rất tuyệt vời giữa thời thế phẳng lì này (nơi dễ dàng kết nối, dễ dàng hấp thụ các thông tin).
Sau khi xem đoạn video (mình để link dưới bình luận), anh chàng ngồi gợi cảm hứng để bắt đầu một lá thư tay. Trong căn phòng đậm chất cổ điển châu Âu, bày bánh ngọt và tách trà trên bàn. Bắt đầu đọc vài lá thư trên tay, khiến mình thấy quá đỗi dễ mến, được tiếp thêm nhiều năng lượng tốt đẹp. Mình chợt nảy ra ý định làm kênh podcast đọc những lá thư tay. Nếu mình không công khai thì đâu ai biết ai nhận ai gửi đúng không, sự riêng tư sẽ được giấu kín. Chỉ còn lại cảm xúc chân thành trong đó mà thôi, hệt như cách mình nhận được khi xem đoạn video này.
Dù gì mình cũng là một người thích viết theo lối kể chuyện. Sẽ có những bức thư đời thường, như hỏi thăm sức khỏe nhau, mô tả thời tiết buổi sáng hay kể về món ăn vừa mới thưởng thức, một chiều tản bộ ngoài công viên. Ta có thể viết thư mỗi ngày như một cách chia sẻ nhật kí cảm xúc của mình. Không nhất thiết phải đợi một dịp trong nào trọng đại. Có bao la đề tài để viết, ngoài những lá thơ tình sướt mướt.
Quan trọng hơn hết, trước khi viết thư nên định rõ người nhận. Để ta đặt hết tâm trí của mình viết cho người ta, đó là ý nghĩa của chuyện thư từ. Nghĩ đến người nhận khi đặt bút xuống. Tưởng tượng người bạn kia đang ngồi trước mặt mình, và cuộc đối thoại chính thức diễn ra.
Liệu rằng bạn có thể nghĩ đến bao nhiêu người để viết lá thư gửi họ, ngay bây giờ?
Mình muốn chia sẻ ý định đọc thư đêm khuya này. Tạo ra một trang thái thư giãn, nhẹ nhàng trước khi chìm vào giấc ngủ. Tương tự cách ba mẹ hay mấy cô giáo ru mình ngủ ngày bé bằng cách đọc truyện. Viết tới đây mới nhớ có chương trình Tự tình lúc 0h của Liêu Hà Trinh.