Tiếng nói người Đà Lạt

#90ngayvietlach#ngay32

Mình sẽ kể về giọng nói người Đà Lạt. Nói chuyện với bạn bè bản địa mình cảm thấy rất bình thường. Cho đến khi nghe lại giọng nói chính mình hay của người khác qua kênh kỹ thuật số. Mọi thứ đều trở nên khác xa với điều mình có thể nghĩ.

Ở thời điểm tràn ngập nội dung số như lúc này, mình mới có cơ hội tiếp xúc, cảm nhận tiếng nói ở nhiều phương diện khác ngoài cách đối mặt trực tiếp. Nhờ bộ lọc của máy móc mới được nghe chính giọng mình có dáng vẻ ra sao.

Và chỉ khi để ý kĩ, mình mới phát hiện chất giọng Đà Lạt nó êm ru, suôn mượt từ đầu tới chữ cuối cùng. Ưu điểm là tăng độ dễ thương, dễ tan chảy cho người nghe. Nhược điểm là không quá nhiều nhấn nhá, đặc biệt là ở phần quan trọng cần người khác ghi nhớ.

Hồi học đại học ở Sài Gòn, một năm mình mới quay lại nhà một vài lần. Đó là thời điểm nhận diện ra giọng nói xứ mình thiệt khác lạ. Bằng chứng là sự ra đời của bài viết người Đà Lạt hay giọng nói. Thân mật, dễ chịu, đến mấy cô ngoài chợ cãi nhau mà còn thấy dễ thương đến lạ lùng. Nghe không có tí gì bực dọc ngoài gương mặt vương chút cau có. Nhờ quan sát chi tiết, mình có khả năng nhận diện người đồng hương rất nhanh, thông qua giọng nói. Thật ra cũng mấy lần nhầm, bởi giọng vùng Tây Nguyên như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai sẽ từa tựa nhau chút xíu.

Tiếp đến, sau khi được nghe nhiều giọng Đà Lạt qua kênh Youtube, Podcast và tự thu âm giọng nói. Lại có thêm những phát hiện mới nảy ra. Rất ít sự nhấn nhá dứt khoát trong âm vực, lên giọng hay xuống giọng cũng không quá mạnh. Mọi thứ cứ đều đều, nhẹ nhàng lướt qua tai. Để từ đây, mình nhận ra tính đặc trưng dễ chịu đôi khi cũng cần cải thiện. Mình đã rất thích giọng Hà Nội trầm bổng hay giọng miền Nam hào sảng, giọng Quảng Nam dễ thương. Trong chất âm, đều có tiếng vang, lên xuống rõ ràng, giống như cách đặt trọng âm tiếng Anh.

Có lẽ mình nên pha trộn chút trầm bổng vào chất giọng ngang dài ấm áp đã làm nên dấu ấn người Đà Lạt.

Có lẽ thêm thắt chút xíu sẽ làm giọng mình có sức nặng hơn, vào những lúc cần thiết.

Bạn nghĩ đi, giọng nói cũng là một cách biểu lộ thái độ. Nhiều lúc nói chuyện trước một nhóm hay một lớp học, mình muốn nhấn mạnh thông tin quan trọng, để thu hút người nghe cũng là thử thách. Vì âm sắc giọng Đà Lạt bị đều, dễ chịu êm ái, cảm tưởng như đang kể chuyện cho bé ngủ vậy đó. Không có cách nào khác ngoài tập luyện, ghi chép và tự nhận thức lúc nói. Mình đã từng rất mến cái giọng xứ mình. Nhưng đến lúc mình nghĩ cần tập luyện thêm sức nặng ngoài chuyện thanh nhã.

Để có một góc nhìn khác về chính mình. Bạn có thể thử tự thu âm giọng nói, hoặc dễ hơn trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện với người khác, hãy mở chế độ thu âm trong điện thoại. Để khi nghe lại, bạn sẽ có hình dung rõ hơn về lối giao tiếp ứng xử của bản thân. Thứ mà ít ai nói cho bạn biết, trừ khi nó quá sức chịu đựng hay ảnh hưởng trực tiếp đến người nghe.

Mình hoàn toàn ủng hộ chuyện giữ bản sắc giọng nói vùng miền. Nhưng đôi khi pha giọng hay cải thiện tiếng nói sẽ rất thuận lợi nếu mình muốn tiếp cận với cộng đồng lớn hơn. Đảm bảo ý mình muốn truyền tải được hiểu rõ, hiểu đúng.

Trong khi viết bài này, mình có cơ hội tìm lại những đoạn video về tiếng nói người Đà Lạt, dù rất hiếm hoi. Mới thấy việc bảo tồn, lưu trữ giọng nói bằng kỹ thuật số là công việc màu mỡ chưa có quá nhiều người thực hiện chuyên sâu.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top