Ăn bữa cơm nhà

#90ngayvietlach#ngay49

Sống mấy chục năm trên đời, ăn cơm nhà là điều mình có đủ đầy. Biết ơn vì mình may mắn có nhiều bữa cơm nhà tử tế. Có bữa thịnh soạn, có bữa đạm bạc. Tính ra vậy mà đỡ cực cho dạ dày. Ngày ăn nhiều no nê bù lại những ngày ăn in ít cầm chừng vì lười đi nấu, vì còn đồ ăn dư, vì hết nguyên liệu.

Ăn bữa cơm nhà với nhau. Dù là những người xa lạ, ngồi ăn chung mâm tự dưng thấy xuất hiện mối gắn kết. Ý mình ở đây là những bữa ăn được bày theo lối cơm nhà, với đồ ăn xếp chung trên bàn. Mỗi người một chén, dùng đũa, muỗng để cùng chia sẻ đồ ăn trên bàn.

Với mình, bữa cơm gia đình gợi nhớ về tiếng gọi í ới nhau lúc tới bữa, luôn có người chờ người để ăn cơm chung. Gợi nhớ về chén nước mắm tỏi ớt chấm đủ thứ món. Gợi nhớ về món kho mặn chát ngoài quán cơm bình dân. Gợi nhớ về mấy buổi trưa lầm lũi ăn trước cửa hàng tiện lợi mà nhớ về cơm nhà. Gợi nhớ về cảm giác vui sướng khi ngồi vào bàn ăn cơm nhà với mấy người mình quý mến.

Bữa cơm chính là nét văn hóa người Việt mình chứ ở đâu xa. Mình có thể ứng dụng nó từ nếp sống hằng ngày cho đến nếp một đội nhóm, văn phòng.

Ở nơi làm cũ của mình, trưa nào mọi người cũng tụm lại ăn cơm trưa mẹ nấu, cùng nhau. Sau khi đã phục vụ xong khách khứa ăn trưa. Mình sẽ có 20-30 phút ăn trưa thân mật cùng mấy anh chị. Mọi người vừa ăn, vừa tỉ tê chuyện thời sự, chuyện khách hàng, chuyện món ăn, chuyện đứa này đứa kia. Rồi lỡ có khách bước vào cửa hàng, tụi mình cũng nhá khách ngồi chơi đợi xíu.

Khoảng nghỉ ngơi giữa ngày làm việc được khởi đầu bằng buổi cơm gia đình cùng nhau. Thời gian hiếm hoi mọi người cùng hiện diện, ngoài những buổi họp hành căng thẳng.

Mình biết có nhiều văn phòng nhỏ họ thuê hẳn đầu bếp. Hoặc là anh sếp, chị chủ sẽ tự tay vào bếp nấu đồ ăn cho nhân viên. Đúng giờ trưa, tất cả mọi người ngồi vào bàn, thưởng thức chung một thực đơn. Mình tin rằng tình cảm của cả nhóm sẽ được nâng lên cực kì cao nhờ ngồi ăn chung thường xuyên như thế. Kiểu thân mật này chỉ hợp với team ít người. Nếu đông hơn, có lẽ mỗi người nấu một món rồi góp ăn chung sẽ hợp lý hơn.

Bữa trưa ở văn phòng gợi nhớ bữa cơm nhà bình dị để gắn kết một gia đình mới.

Sự gắn kết của bữa cơm nhà từ đầu mà ra?

Cái thân mật nảy ra từ việc chia sẻ đồ ăn đến câu chuyện trên bàn ăn. Vì mâm thức ăn chung nên vừa ăn lại vừa chờ nhau. Đảm bảo lượng đồ ăn đủ cho tất cả mọi người. Vậy là ta biết điều chỉnh tốc độ, quan sát người bên cạnh, biết những tính khí mà điều hòa lẫn nhau. Mà thật ra, việc ngồi xuống ăn chung đã đủ để bắt đầu sự gần gũi.

Photo: Padma de Fleur

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top