Tản mạn về điểm mạnh, điểm yếu

#90ngayvietlach#ngay64

Mình nghĩ ai cũng từng trải qua tổn thương trong nền giáo dục nước mình. Khi ý thức tìm hiểu bản thân, điểm mạnh, điểm yếu dường như là một việc khá xa xỉ khi học phổ thông. Đa phần mọi người lớn lên, phát triển bản thân dựa trên thang điểm số, hay đạt dạnh hiệu này thành tích kia. Mọi người cố vươn lên chạm đến chuẩn mực chung của môi trường học đường, để chứng minh sự giỏi giang (hay đáp lại kỳ vọng của ai khác).

Không hiểu sao, thời cấp 3 mình rất thích chơi với mấy đứa có nhiều mối quan tâm khác ngoài chuyện học giỏi. Ở trong môi trường toàn người hạng ưu, mình không hề có ý định vươn lên bằng mấy bạn. Ngược lại, mình chọn cách học vừa đủ. Thời gian nhàn rỗi còn lại dành suy nghĩ chuyện khác, đi dạo tâm sự, coi phim, mày mò chỉnh sửa hình hay ngồi viết lách thẩn thơ thay vì tới lớp học thêm. May mắn vì không gặp quá nhiều áp lực từ gia đình.

Mình không hề có ý định trở thành người giỏi toàn diện đâu, mình chỉ muốn khai thác trọn vẹn vùng thế mạnh của bản thân. Biết mình mạnh yếu ở đâu rất thuận lợi trong đời sống, giao tiếp.

Thử hỏi, bạn nhớ nhất chuyện gì hay có điều gì đọng lại thành kỷ niệm trong thời học sinh, sinh viên. Với mình, kiến thức vẫn nằm gọn trong những trang sách. Điều mình nhớ nhất là người thầy, người cô luôn khuyến khích, đồng cảm, tôn trọng ý kiến trái chiều từ học trò. Nhờ thế, mình cảm thấy tự tin bày tỏ và đón nhận phản hồi từ họ. Mình thích cách thầy cô dẫn dắt kiến thức chứ không phải phô bày kiến thức. Nói dễ hiểu hơn, năng lượng, cá tính của thầy cô mới là thứ làm mình lưu tâm.

Trải qua thời gian dài loay hoay tìm hiểu chính mình. Mình mới nghĩ làm sao để các bạn nhỏ có thể hiểu và nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân ngay từ sớm.

Ngoài nhận xét chung chung như bạn giỏi môn toán, bạn yếu môn đạo đức. Theo mình, lời đánh giá của người dạy khá quan trọng giúp một học sinh tự tin tiến lên hay tự ti hơn. Một người dạy có đủ sự quan sát, nhìn nhận học sinh qua xu hướng thể hiện của bạn, thì mới có cái nhìn toàn diện. Lời đánh giá có trọng lượng sẽ giúp các bạn khám phá được chính bản thân mình, để rồi tự tin phát triển thế mạnh tiềm năng.

Bạn ấy sẽ biết mình có khả năng thấu cảm với người xung quanh, thích lắng nghe, thường dễ nhạy cảm. Bạn ấy sẽ biết mình thích toán học bởi vì khả năng nhanh nhạy trong tính toán với suy nghĩ thiên về logic. Bạn ấy sẽ biết mình có khả năng tưởng tượng rất được, cho nên bạn cần phát triển thêm các bộ môn sáng tạo.

Người đi dạy thì nên dạy cái gì. Với suy nghĩ cá nhân, một người đi dạy không cần dạy quá nhiều kiến thức đâu.

Mà làm sao mình kích hoạt được trí tò mò vốn có, để người học tự đi thu thật kiến thức cho riêng họ. Hơn nữa, người dạy nên dẫn dắt giúp người học ý thức chuyện tìm hiểu điểm mạnh yếu. Mỗi cá nhân đều là một bản thể riêng biệt, và mình luôn tôn trọng sự khác biệt đó. Vấn đề là làm sao để người học tự khám phá được điều ấy. Có người mạnh về kết nối, thuyết trình; có người lại giỏi quan sát chi tiết; có người mạnh về tra cứu, tìm kiếm thông tin. Và tất cả những điều ấy đều thể hiện trong quá trình các bạn tiếp xúc với từng môn học. Dĩ nhiên chúng còn thể hiện ở mối quan tâm trong đời sống thường nhật của người học. Nhưng xét từ góc độ của người dạy, mình chỉ biết phần nào dựa vào biểu hiện trên lớp.

Thay đổi cách tiếp cận giáo dục, trao quyền cho người học khám phá điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Từ đó các bạn mới dễ dàng tìm hướng phát triển phù hợp. Mình luôn giữ tư duy ấy mỗi khi đứng lớp hay tiếp xúc với các bạn nhỏ. Mình chỉ dám nhận là người hướng dẫn, chia sẻ để các bạn tự định hướng con đường riêng. Mình nghĩ cách nhìn này có thể áp dụng cho ba mẹ trong việc giáo dục con cái, chứ không riêng gì thầy cô giáo.

Cám ơn bạn đã dành thời gian đọc.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top