Các hãng thiết kế ra bao nhiêu loại sổ tay khác nhau. Biết mua cuốn sổ nào để dùng giữa muôn vàn lựa chọn. Tôi muốn nhắn rằng, bạn đừng nên chọn vì lời góp ý hay dẫn dụ từ bạn đến bồ cho đến chủ sốp. Hãy học cách chọn theo sở thích và nhu cầu đến từ chính bản thân.
Chẳng dễ gì để giữ cặp mắt sáng tỏ và con tim trong trẻo mà lựa với chọn. Vậy nên bài viết này sẽ giúp bạn ổn định tinh thần và ví tiền trước những cuộc trao đổi u mê. Tôi chẳng có kinh nghiệm gì nhiều ngoài việc thích sờ giấy, hay nghiên cứu mẫu mã các loại sổ trên đời và là người cầm bút lâu năm.
Một cuốn sổ tốt sẽ mang lại cảm giác dễ chịu, dễ thăng hoa khi viết hay vẽ. Khó mà bỏ xó nó trong góc được đâu.
Ý định sử dụng sổ
Bạn mua sổ để ghi chép bài vở, viết công thức nấu ăn, viết nhật ký hành trình (travel journal) hay dùng phác thảo, gặp khách hàng, viết bullet journal. Từ đó mới có thể định hình rõ ràng nhiều tiêu chí về sau.
Ví dụ về kích cỡ sổ:
- Sổ lớn thường dùng để vẽ, thường đặt cố định một chỗ.
- Sổ nhỏ phù hợp mang theo bên người, phù hợp nếu bạn di chuyển nhiều nơi.
- Sổ nhỏ hơn thì dễ nhét đâu cũng được: cốp xe, túi xách nhỏ, túi quần, túi áo, tựa một chiếc điện thoại thông minh.
Một phong cách trong tính cách
Phong cách nào khiến bạn thêm cảm hứng khi cầm cuốn sổ trên tay: hoang dại, năng động, chỉn chu, tối giản, dễ thương, công chúa bánh bèo hay thô ráp mộc mạc. Tất cả đều thể hiện rõ ràng chi tiết thiết kế bìa của mỗi nhà làm sổ. Có thể xem như tiếng nói riêng biệt trong triết lý mà họ xây dựng thương hiệu. Nghĩa là phong cách thiết kế sổ dường như gắn liền với một nhà làm sổ, nhìn vào là bạn biết được hãng đó có hợp với mình hay bye bye từ đây.
Chọn bìa sổ
Chất liệu bìa sổ hiện giờ, ngày càng xuất hiện nhiều thiết kế theo hướng thân thiện môi trường và tạo cá tính độc quyền cho người sở hữu hơn trước đây. Nhiều bạn nghệ sĩ nhảy vào tham gia kinh doanh nghệ thuật, bởi vậy tiêu chí thẩm mỹ ngày càng là thứ hấp dẫn trên thị trường.
Phổ biến nhất vẫn là bìa giấy (tranh, ảnh in giấy mỹ thuật, bìa tái chế). Tiếp nữa là các loại bìa sổ bọc vải, bọc da, sổ nhựa mica, sổ ép lá, sổ len bông (ở Việt Nam chưa thấy ai làm).
Bìa sổ là nơi thể hiện rõ nhất tính cách thương hiệu. Để chọn một bìa phù hợp, bạn có thể làm tương tự bước trên. Thử xem phong cách nào sẽ làm bạn thêm cảm hứng, khi cầm sổ trên tay là muốn viết ngay.
Ruột giấy là linh hồn tạo cảm giác
Ruột giấy được chia thành các loại thiết kế: ruột kẻ ngang, ruột kẻ ô vuông, ruột chấm dot, ruột trơn phù hợp với hầu hết ngành nghề và ý định sử dụng của bạn.
Ruột giấy còn liên quan đến bề mặt và định lượng, ảnh hưởng đến chất liệu bút, mực, màu.
Giấy viết thông thường có bề mặt trơn láng, có loại lốm đốm sợi giấy nhỏ, có loại vân sần nhẹ nhìn kĩ mới thấy. Người ta không làm giấy gồ ghề để đảm bảo ngòi bút lướt êm ái, nên bột giấy xay nhuyễn mịn rồi ép mỏng trên tấm lưới khít.
Loại giấy có vân thô ráp, sờ cho cảm giác nhám tay thường xuất hiện ở dòng giấy vẽ màu nước như Canson, Fabriano, Arches, Strathmore (hay được gọi bằng giấy Rouge và Cold-pressed)
Viết hay sketch thông thường nên chọn định lượng mỏng cỡ 100-120gsm là vừa phải. Giấy dày phù hợp với chất liệu pha nhiều nước như màu nước, acrylic, định lượng giấy dao động từ 200-300gsm.
Tôi thấy giấy định lượng 120gsm gần như phù hợp với hầu hết mực viết, bút kim, bút lông, chì, sáp dầu, gouache và 1 lớp mỏng màu nước rồi. Đúng và đủ mới là lựa chọn hiệu quả.
Chọn xong rồi giờ mua sổ ở đâu
Tại sao giữa thời máy móc vẫn có người thích dùng sổ. Cái này bạn cần tự tìm câu trả lời thông qua việc thử trải nghiệm. Thực ra cảm giác đặt bút trên giấy rất khác việc gõ lên bàn phím. Cảm xúc khi đưa ngòi bút uốn theo từng nét chữ không thể nào cảm trọn vẹn, nếu bạn không cầm bút và tạo ra con chữ.
Tôi có thể viết nhật ký trong một cuốn sổ lịch sến súa từ những năm 2000. Bởi ở nhà và viết nhật ký hằng ngày đâu cần gì nhiều ngoài chất lượng giấy vừa đủ tốt để không lem ra mặt sau. Nhưng cầm cuốn sổ ra đường, tới chỗ làm, quán cà phê, lại là câu chuyện khác. Tôi thích cầm một cuốn sổ nhìn phải độc đáo và mang dấu ấn cá nhân. Cuốn sổ đẹp khơi gợi rất nhiều hứng thú để ghi chép, vẽ vời và tiếp thu thông tin.
Để mua một cuốn sổ, như tôi nói ở đầu bài, vô cùng dễ dàng. Từ chỗ bán sổ từ công nghiệp cho đến làm thủ công.
Muốn mua sổ hãng lớn có tiếng tăm, sản xuất theo quy mô công nghiệp. Bạn có thể tìm tới các địa chỉ bán đồ họa cụ, nhà sách, văn phòng phẩm từ bình dân tới cao cấp, giá nào cũng có cho nhu cầu của bạn. Tôi thích ghé Taipoz để ngắm nghía, Reading Cabin cũng là một địa chỉ bạn nên thử.
Bạn muốn mua hãng sổ thủ công, tức làm bằng tay, rị mọ một tháng được vài chục cuốn. Tìm mấy nhà làm sổ hidden (giấu mặt) này thì gian nan hơn một chút. Phần lớn những tiệm này sẽ bán buôn trên facebook hay instagram. Bạn cứ tìm kiếm với từ khóa sổ tay thủ công hay sổ tay handmade. Thêm nữa, mấy tiệm làm sổ lâu năm hay ký gửi sản phẩm ở tiệm cà phê, tiệm bánh hay tiệm chuyên bán đồ thủ công, đồ local. Hoặc lâu lâu xuất hiện ở hội chợ bán đồ nghệ thuật như Loco Art Market, The Box Market.
Giới thiệu vài chỗ bán sổ thủ công đẹp mà tôi biết. Dù chưa bào giờ gặp các bạn chủ tiệm ngoài đời, nhưng qua sản phẩm tôi có thể cảm được tâm huyết trong từng món đồ thủ công. Bởi vì tôi là người thợ làm sổ, nên phần nào hiểu được cái công sức tưởng chừng đơn giản này.
- Ở Việt Nam: Bé luýt, Ruộng hoa, Sổ ở ghép (là mình), The bandia, Labata, loudsythings, thungcactong
- Ở nước ngoài có tiệm Lescargot.papier, Barizaki
Hi vọng bạn sớm chọn được cuốn sổ tay phù hợp. Dẫu nhiều bước phức tạp, nhưng tôi đảm bảo khi chọn được một người bạn đồng hành hợp gu, bạn mới đi được xa. Tức là sử dụng trọn vẹn tất thảy các trang sổ.