Liệu chúng ta có thể tái chế bao bì cũ để đóng gói một món đồ mới. Chọn giấy gói nào sẽ phù hợp với cửa hàng nhỏ phục vụ đồ ăn, thực phẩm hay cửa hàng quần áo online.
Mình vẫn nhớ ngày nhỏ luôn nhận được món quà gói trong giấy bạc đầy những hoa văn, màu sắc rực rỡ. Lúc nào mở quà, mình cũng cẩn thận gỡ từng miếng băng keo để không làm rách giấy gói. Sau đó xếp gọn gàng để lần sau có dịp sử dụng lại. Đến bây giờ, dù mở món hàng nào mình cũng quen cái nếp ấy, luôn luôn giữ lại phần bao bì để tái sử dụng thêm nhiều lần nữa. Có lần mình nghĩ, chỉ có cách theo nghiệp bán buôn mới giúp mình giải phóng được chồng giấy gói tích trữ. Vậy mà thành thiệt, bán hàng vui nhất là khâu gói từng món hàng vận chuyển tới khách.
Nếu bạn quan tâm đến tự nhiên và môi trường.
Những mẫu ‘giấy gói quà’ dưới đây có lẽ là gợi ý thích hợp. Không nhất thiết dùng chúng để đóng gói hàng hóa, ta có thể áp dụng tương tự khi muốn tự tay gói ghém quà tặng cho người khác. Vật liệu đều dễ dàng tìm thấy xung quanh nhà đấy.
Tạp chí
Tạp chí thời trang, nội thất, du lịch thường có phần hình ảnh rất đẹp mắt. Hãy chọn ngẫu nhiên một tấm hình rồi xé chúng ra. Đôi khi một bức ảnh thời trang, một địa điểm ấn tượng, hay hình đồ ăn ngon miệng là lựa chọn độc đáo cho giấy gói quà. Nếu quanh nhà không có sẵn, bạn nên tìm mua ở cửa hàng sách cũ, tạp chí xuất bản càng lâu giá càng rẻ.
Giấy cũ
Những tờ báo giấy cũ, giấy in tài liệu, block lịch cỡ lớn. Với chất liệu mỏng rất thích hợp gói quần áo, thực phẩm khô, rau củ hay những món đồ nhẹ như sách, tranh ảnh.
Vải
Vải vụn dễ dàng tìm thấy ở các nhà may. Tận dụng những mẩu vải cắt dư để làm dây cột gói hàng. Với những mảnh vải lớn, bạn chỉ cần cắt tỉa gọn gàng phần rìa là đã có thể dùng để gói ghém hàng hóa. Nên cân nhắc chèn thêm giấy chống sốc để tránh va đập khi vận chuyển xa.
Tận dụng những bộ quần áo không còn mặc, ưu tiên chất vải có thành phần sợi tự nhiên như cotton, thô, len, lụa. Cắt thành tấm vải vuông hoặc chữ nhật. Áp dụng cách gói khăn furoshiki của Nhật Bản để gói hàng. Khéo tay hơn, ta có thể may túi rút nhỏ đựng các món trang sức, tinh dầu hoặc các loại hạt khô.
Vỏ bao thư
Bạn có nghĩ vỏ bao thư đựng tài liệu kích thước cỡ lớn, đều có thể tái sử dụng không. Ta có thể dùng cho việc gửi các loại giấy tờ, tranh ảnh, trang sức hoặc phụ kiện. Trang trí thêm bằng hình vẽ, sticker hoặc đơn giản là dán một tờ giấy nhỏ để che thông tin họ tên, địa chỉ trên bao thư cũ.
Túi đựng đồ từ giấy kraft nâu
Tận dụng giấy kraft nâu hay túi đựng từ các món hàng đã mua. Mình tin mảnh giấy xi măng nâu đang nằm khắp căn nhà của bạn đấy. Mỗi lần mua hàng online, bạn hãy nhẹ tay khui hàng và giữ lại lớp bao bì để tái sử dụng. Với túi đựng, ta chỉ cần gấp gọn, sẵn sàng cho lần sử dụng sau.
Hộp, thùng carton
Thùng sữa, thùng mì, thùng bia hay các loại hộp giấy dư là vật liệu hữu ích cho việc đóng gói. Cắt nhỏ giấy thùng để gói hàng mong manh dễ vỡ. Hoặc sử dụng lại nguyên hộp nếu chúng có kích cỡ phù hợp với sản phẩm.
Lọ thủy tinh
Lọ thủy tinh đựng nước sốt/mứt đã sử dụng hết. Hãy tận dụng lọ thủy tinh đựng món đồ nhỏ dễ rơi rớt. Chai lọ đã dùng hết là “giấy gói quà” hạn chế tối đa sự lãng phí. Bởi vì người nhận hoàn toàn có thể sử dụng lọ thủy tinh cho nhiều mục đích khác. Tuy nhiên chất liệu thủy tinh khá nặng, bạn nên chèn thêm vải hoặc giấy trước khi vận chuyển hàng nhé.