Nguồn cảm hứng khi viết đến từ đâu.
Câu hỏi viết gì cứ quanh quẩn tuần vừa qua, khi mình phải tự tạo đề bài viết mỗi ngày.
Nhớ lại trước đây, mình rất thích ghi lại hình ảnh bằng điện thoại, máy ảnh. Bất kể là thứ gì thú vị mình nhìn thấy. Canh chỉnh khung hình trước khi chụp là thời khắc mình nghĩ về câu chuyện của bức ảnh. Mình có thể biên ra hàng loạt chữ nghĩa trong khoảng hạn hẹp ấy.
Mình thường dựa vào hình chụp để viết bài, có lẽ nó mang màu sắc tản văn nhiều hơn. Khó mà cạn kiệt ý tưởng nếu như kho hình của mình ngày càng đầy thêm. Một lần bấm máy là một lần trải nghiệm mới. Theo mình, quan sát xung quanh là một kiểu trải nghiệm, dù đó là những điều bình dị, quen thân với ta.
6 cuộn phim từng chụp đã giúp mình nâng cao khả năng ghi nhớ khung hình. Chụp phim không có hình để xem liền, thành ra phải hết sức tiết kiệm từng khung hình. Hít thở, căn ke thật kĩ trước khi bấm máy, đủ để nhớ rõ cảnh vật, con người, chuyển động trước mắt. Và cũng đủ để viết xong câu chuyện cho tấm hình (ở trong đầu).
Lục lại kho hình trong điện thoại, hình ảnh dễ làm mình quay ngược lại câu chuyện đã cũ. Diễn biến, khung cảnh, con người, vị trí, chuyển động. Vô tình, việc xem hình gợi nguồn cảm hứng viết lách. Mình vẫn thích dùng hình tự chụp làm ảnh cho mỗi bài viết. Thật sự, mình khá kén trong việc chọn hình ảnh minh họa. Tìm hình của người khác lại ngốn kha khá thời gian mới đúng tầng cảm xúc mình ưng. Nói chung, dùng hình tự chụp chứa đựng nhiều tình cảm riêng tư, dễ có cảm hứng để buôn chuyện hơn.
Thật vui vì đã biết thêm một cách giải quyết chuyện bí ý tưởng. Điều này đúng so với bản tính mình là người thích quan sát, chụp hình và kể chuyện. Chỉ cần chọn một tấm hình bất kỳ, viết lời bình hay cảm nhận trước bức ảnh đó. Vậy là ta có thể nương tựa chuyện viết vào mấy tấm hình rồi.
Bài tập mình vừa nghĩ ra đây. Mỗi ngày chọn một bức hình làm chủ đề trước khi bắt tay viết. Thử đi ngược quy trình trước giờ áp dụng, có khi là một biến tấu vui vẻ để bắt đầu những con chữ đầu tiên. Bài tập này tương tự như việc đăng ảnh đính kèm đoạn caption vậy đó.
Mỗi người đều có những nguồn cảm hứng riêng, phục vụ cho công việc ta đang làm. Có thể là một bài nhạc, xem tranh, sách vở, phim hoạt hình, cuộc tản bộ, lên giường ngủ, lời động viên hoặc cuộc gặp gỡ ai đó.
Bạn đã có nguồn cảm hứng riêng cho mình chưa.