Giao tiếp với người thân

#90ngayvietlach#ngay47

Mùa dịch ai cũng làm việc tại nhà, có lẽ nhiều người đã hiểu một góc đời thường của freelancer ra sao nhỉ. Ngay cả chuyện giao tiếp khi sống cạnh người thân.

Làm ở công sở có giờ cố định từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều. Ba mẹ hay bạn bè nhiều khi cũng biết canh giờ nếu muốn gọi điện hỏi han. Ai cũng ngầm hiểu thời gian văn phòng vận hành ra sao. Tương tự vậy, làm ở nhà là cơ hội để mình tự tạo lịch trình riêng cho bản thân.

Quan trọng hơn nữa, mình cần phải trao đổi, nói ra kế hoạch thì người khác mới biết mà làm phiền đúng lúc. Ở chung với gia đình đông người lại cần trao đổi nhiều hơn.

Có người né tránh sự giao tiếp, bởi cảm thấy quá nhiều xung đột và căng thẳng diễn ra. Cứ thế mà lầm lũi sống trong sự xa cách với người thân. Quả thật rất mệt nhọc cho hệ tinh thần đó bạn. Đôi khi nói một câu thông báo trong vài chục giây, đã là một cách giao tiếp ngắn rồi.

Mình đang có việc cần giải quyết, ngồi vào máy tính nhưng đâu ai hiểu mình đang làm gì trong trỏng. Bởi vì có lúc ba mẹ bắt gặp mình đang chơi, đọc báo, lướt facebook hay coi phim. Từ đó mà họ ngầm hiểu rằng, không phải lúc nào nó ngồi máy tính cũng là làm việc. Đứng trên góc nhìn của người ngoài là vậy.

Mình nên chủ động thông báo lịch trình hay khoảng thời gian làm việc trong ngày. Thông báo một cách ngắn gọn cho người thân vào buổi sáng đầu ngày hoặc tối hôm trước. Ví dụ 10 giờ con có cuộc họp, 8 giờ tối chị phải gọi điện cho bạn chút xíu hay 3 giờ chiều em phải ngồi viết xong bài gửi khách.

Đây là một cách chia sẻ với người thân về việc mình đang làm. Trước hết để họ có hình dung rằng: à mình nên né những giờ đó không nên làm phiền. Hơn nữa là cách trao đổi, kết nối khi chúng ta sống cạnh gia đình. Đặc biệt khi làm việc tại nhà. Khó tránh khỏi những nhờ vả gấp rút, làm việc nhà, nấu cơm, phơi đồ hay sửa điện thoại. Những tình huống bất ngờ đôi khi lại rơi vào đúng những lúc ta cần tập trung làm việc.

Bằng cách đặt ra hạn định cho 3-4 hoạt động chính diễn ra trong ngày. Mình có thể giữ được sự bình tĩnh khi có quá nhiều việc ập tới cùng một lúc. Việc chồng việc, rồi không biết phải làm gì trước, làm gì sau. Khi chủ động giới hạn thời gian cho mỗi hoạt động, mình sẽ dễ dàng phân loại việc tám với bạn bè hay đi lau nhà giúp mẹ sẽ không thể nằm trong khoảng thời gian mình đang tập thể dục được.

Mình biết nói thì dễ hơn làm. Nhưng thành thật mà nói, nếu không thử làm thì chẳng có gì thay đổi hết.

Dịch bệnh tuy là rất nhiều khó khăn, cũng là cơ hội để mình kết nối lại với gia đình. Muốn khoảng cách thế hệ được xích lại gần nhau, mình nên đặt suy nghĩ ở góc nhìn người đối diện. Theo mình trước khi muốn tranh luận đúng sai (theo quan điểm cá nhân), mình cần dành thời gian thấu hiểu góc nhìn, quan điểm, hoàn cảnh của người còn lại.

Hiểu nhau thì mới có cơ sở nói chuyện, tranh luận tiếp chứ nhỉ.

Photo: Daniel Dorsa

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top