Ở gần đèn có chắc sẽ sáng

#90ngayvietlach #ngay89

Trước giờ mình hay thắc mắc, tại sao ngồi ở quán cà phê lại giúp mình tập trung làm việc. Tiếng ồn ngoài quán chắc chắn huyên náo hơn so với ở nhà, nhiều người thường nghĩ chốn đông người sẽ ảnh hưởng đến khả năng tập trung. Thế nhưng, mình lại đạt hiệu suất làm việc cao hơn, thói quen mở mạng xã hội với những cú lướt vô nghĩa biến mất.

Nhiều kênh youtube với nội dung Study With Me ngày càng nở rộ. Đây là một đoạn video kéo dài nhiều tiếng, với nhạc nền nhẹ nhàng theo thể loại Lofi, Jazz. Đính kèm một tấm hình nền dạng chuyển động lặp lại của một người thật hay hình vẽ minh họa. Chứng tỏ xã hội có nhu cầu thì người tạo nội dung mới rủ nhau làm nhiều như thế.

Một hình thức tương tự là học nhóm trực tuyến. Những người xa lạ cùng nhau học tập, làm việc thông qua phòng họp trực tuyến. Dù không có sự tương tác, họ chỉ hiện diện cùng nhau qua màn hình và làm việc của mình.

Vậy môi trường xung quanh đã tác động điều gì lên hành vi của bạn?

Rồi mình biết tới một mô hình gọi là thuyết học tập xã hội, của bác Albert Bandura. Tất cả ví dụ trên đều dựa trên câu chuyện bắt chước hành vi lẫn nhau, con người có thể học một thông tin hay hành vi mới bằng việc quan sát người khác.

Thuyết này dẫn tới một phương pháp học gọi là học tập thông qua quan sát. Bạn học trong vô thức trước những thứ quan sát được ở bên ngoài. Ví dụ làm việc trong môi trường công sở, đôi khi mình thay đổi cách nói chuyện bằng cách chêm từ lóng học được từ đồng nghiệp. Trẻ con dễ ảnh hưởng bởi hành vi của bạn bè, thầy cô giáo ở trường.

Khả năng quan sát không chỉ là nhìn bằng mắt, mà còn thông qua nghe và đọc từ phương tiện sách, báo, phim ảnh, âm thanh.

Ba khái niệm cốt lõi theo thuyết học tập xã hội của Bandura:

  • Học thông qua quan sát
  • Tinh thần nội tại là nhân tố quan trọng
  • Việc học không nhất thiết dẫn tới thay đổi trong hành vi

Áp dụng theo hướng tích cực, tức tạo năng suất công việc hay thay đổi theo chiều hướng phát triển. Giống việc bắt chước sự tập trung từ đám đông xung quanh, khi bạn làm việc ngoài quán cà phê. Vận dụng vào giáo dục bằng cách tìm ra hướng tích cực để thay đổi hành vi của xã hội. Bao gồm giáo dục người khác và giáo dục chính bản thân mình.

Chủ động tìm, quan sát, tiếp xúc thường xuyên với hành vi, con người phù hợp. Rồi bạn sẽ học tập thành công hành vi mình cho là tốt. Tuy nhiên, bác Bandura nhấn mạnh học tập xã hội chỉ có sự ảnh hưởng, không nhất thiết dẫn tới những biến đổi trong hành vi. Bởi lẽ để đạt danh hiệu ‘học sinh giỏi’, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác (bạn có thể tìm đọc thêm ở đây).

Ngược lại, khi bạn tiếp xúc với thông tin, hành động tiêu cực trong thời gian dài như ở trong môi trường bạo lực, nhiều mâu thuẫn, bất mãn quá lâu. Khả năng cao dẫn bạn tới việc bắt chước những gì đã học được trong vô thức. 

Theo mình, thuyết học tập xã hội có thể mang ra giải thích phần nào câu chuyện muôn thuở của các bậc phụ huynh xưa nay. Chọn bạn mà chơi, hay chọn ‘gần đèn thì sáng’. Nhưng thật ra, chưa chắc gần đèn mà sáng đâu, bởi nó còn phụ thuộc phần nào ở bạn nữa.

Cám ơn bạn đã đọc.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top